Giá dầu hướng tới mốc 200 USD/thùng, xăng Việt Nam lên bao nhiêu?

Nhiều nhà phân tích đã dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao nếu phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga bị cắt giảm. Giá trong nước cũng tăng mạnh.

Giá thế giới liên tiếp lập đỉnh

Hiện, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở mức cao nhất một thập kỷ qua, ngưỡng 120-140 USD/thùng.

Một trong những yếu tố hạn chế đà tăng vốn đang rất mạnh thời gian gần đây của giá dầu, có thể kể đến là thông tin Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 chỉ khoảng 5,5%, thấp hơn mức mục tiêu hơn 6% mà nước này đặt ra trong năm ngoái.

Đây là mục tiêu tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 30 năm của Trung Quốc, cho thấy không chỉ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà cả kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Giá xăng liên tiếp tăng sốc, trước mỗi kỳ điều hành giá, người dân thường "rồng rắn" đi đổ xăng

Giá xăng liên tiếp tăng sốc, trước mỗi kỳ điều hành giá, người dân thường "rồng rắn" đi đổ xăng

Tuy nhiên, theo giới phân tích xu hướng tăng của giá dầu vẫn đang là rất mạnh.

Giá dầu đã tăng 61% kể từ đầu năm 2022 tới nay và tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, hàng loạt các tổ chức lớn đã dự đoán về kịch bản giá dầu sẽ còn tăng rất mạnh.

Bank of America, một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ đã dự báo, giá dầu có thể sẽ chạm mức 200 USD/thùng trong ngắn hạn.

JP Morgan Chase cũng dự báo giá dầu có khả năng sẽ lên tới 185 USD/thùng.

“Các kịch bản này đều dựa trên lo ngại về việc phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Nga sẽ bị cắt giảm, gây ra thiếu hụt khoảng 5 triệu thùng/ngày hoặc thậm chí nhiều hơn”, lãnh đạo MXV cho biết.

Nga hiện là nước xuất khẩu dầu thô và khí đốt hàng đầu trên thế giới, với khoảng 7 triệu thùng được xuất khẩu mỗi ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Mặt khác, bất chấp các phản đối từ đồng minh, theo thông tin mới nhất, nước Mỹ có khả năng vẫn sẽ tự tiến hành cấm vận nhập khẩu dầu của Nga.

Điều này sẽ phần nào khiến cho việc kinh doanh và vay vốn, mua bảo hiểm dành cho các tàu chở hàng hóa Nga trên thế giới trở nên khó khăn đáng kể.

Nếu tình hình chiến sự Nga – Ukraine kéo dài, các tranh cãi của các bên gần như chắc chắn sẽ khiến cho tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng và tiếp tục đẩy giá lên cao.

Nước Nga cũng lập tức cảnh báo giá dầu thô có thể lên 300 USD/thùng nếu cấm vận năng lượng được áp đặt.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã đưa ra lời cảnh báo ngày hôm qua nhằm vào việc Mỹ và phương Tây áp đặt cấm vận dầu mỏ chống Moskva sẽ gây ra những hệ quả thảm họa cho thị trường toàn cầu.

Ông Novak cáo buộc Châu Âu đang hành xử theo cách có thể đẩy Nga đi tới quyết định đóng cửa tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Và khẳng định “không dễ để Châu Âu tìm kiếm nguồn cung ứng thay thế khí đốt Nga, một tiến trình phải mất nhiều năm”.

Trong khi đó, nguồn cung "giải cứu" từ phía Iran cũng khó có thể giải quyết vấn đề, khi ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất nước là Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với Mỹ trong tháng 3, cũng sẽ mất nhiều tháng để các bên có thể thiết lập một quy trình cụ thể và đưa xuất khẩu dầu tăng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Hơn nữa, cũng khó có thể trông chờ nhóm OPEC+ có thể “bù đắp” tình trạng thiếu hụt ngay cả khi tháng sau OPEC+ điều chỉnh sản lượng.

Giá dầu trong nước tăng bao nhiêu?

Phân tích theo từng cấp độ diễn biến, một chuyên gia xăng dầu nói với PV Báo Giao thông rằng “kỳ điều hành gần nhất, ngày 11/3 sẽ lên khoảng gần 4.000 đồng/lít đối với xăng, còn dầu còn tăng mạnh hơn”.

Với mức tăng này, giá xăng RON 95 có vượt ngưỡng 30.000 đồng mỗi lít đối với vùng 1 và vượt thêm 2% đối với vùng 2 (cách kho giao hàng tổng 200 km trở lên).

Mốc 200 USD/thùng đối với dầu thô cũng không còn xa. Lúc này, giá xăng dầu trong nước sẽ phải tăng lên 38.000-40.000 đồng/lít.

“Đến lúc này thì cần phải có sự điều hành khác biệt, cần phải có biện pháp nâng cao sản lượng xăng dầu trong nước để giảm bớt sự phụ thuộc giá nhập khẩu”, vị này nói, tuy nhiên, cũng không đặt nhiều kỳ vọng “hãm” được giá khi kế hoạch những tháng tới đang tăng cường nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất.

Với mốc 300 USD/thùng, vị này cho rằng, lúc này cả thế giới “vỡ trận”. Bởi, đây là mốc tác động rất ghê gớm, nó là mất mát cho cả nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi mong chờ hành động từ các nước lớn trên thế giới. Tôi đặt niềm tin vào việc giá dầu sẽ được kìm ở ngưỡng cao có thể chấp nhận được, bằng một cách nào đó”, theo vị chuyên gia.

Hiện, để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp, bộ ngành cùng kiến nghị phải sử dụng mạnh công cụ thuế. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu. Áp dụng đến hết năm 2022.

Tuy nhiên, mức giảm này bị chê là quá thấp, khó tác động đến thị trường khi giá xăng đã lên mức quá cao. Phần lớn ý kiến cho rằng, nên rút ngắn thời gian hưởng về 3-6 tháng, để nâng mức giảm tối thiểu bằng 50% (2.000 đồng/lít đối với xăng) số thuế quy định.

"Bởi, khi giá dầu thô tăng, Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan", VCCI đánh giá.

Giá nhiều dịch vụ, mặt hàng ”nhảy múa” khi giá gas, xăng tăng

Người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bày tỏ lo ngại khi giá các mặt hàng thiết yếu lẫn nguyên vật liệu đều lần lượt tăng mạnh theo giá xăng dầu trong thời gian gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hạnh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN