Giá dầu giảm mạnh: Doanh nghiệp trong nước lo "sốt vó"

Không ít chuyên gia dự báo, giá dầu thô WTI trên thị trường Mỹ sẽ sớm xuống dưới mốc 40 USD/thùng. Các doanh nghiệp trong nước đang lo “sốt vó” nếu dự báo này trở thành sự thật.

Dầu còn thấp ít nhất 5 năm tới

Không ít chuyên gia dự báo giá dầu thô WTI trên thị trường Mỹ sẽ sớm xuống dưới mức 40 USD/thùng do dự trữ dầu thô tại Mỹ lập mức kỷ lục mới trong 80 năm trong khi sản xuất dầu thế giới thu hẹp không đáng bao nhiêu. Saudi Arabia vẫn tiếp tục duy trì sản lượng dầu ở mức cao nhằm giữ thị phần. Theo tính toán của ngân hàng Barclays, trong quý II và quý III năm nay, nguồn cung dầu thế giới tăng nhanh hơn nhu cầu đến 57%. Mỹ hiện đang cung cấp ra thị trường 2 triệu thùng dầu/ngày. Các “đại gia” dầu lửa Trung Đông cũng không chịu “lùi bước” trong cuộc chiến giá dầu. Saudi Arabia tiếp tục cung mạnh dầu ra thị trường ở mức 1,3 triệu thùng dầu/ngày. Cách duy nhất có thể đẩy được giá dầu tăng lúc này là phải có ít nhất một vài nước xuất khẩu lớn chịu giảm sản lượng. Thế nhưng cho đến nay, chưa có nước nào có dấu hiệu nhượng bộ.

Giá dầu giảm mạnh: Doanh nghiệp trong nước lo "sốt vó" - 1

“Giá dầu đang được dự báo còn thấp ít nhất 5 năm nữa. Thị trường dầu sẽ vẫn tiếp tục dư thừa nguồn cung cho đến cuối thập kỷ này bởi ngày một nhiều nguồn năng lượng sạch được sản xuất ra và các thiết bị tiết kiệm năng lượng được sử dụng”, đó là nhận định do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa đưa ra.

Trong báo cáo thường niên mới được công bố, IEA dự báo từ nay đến năm 2020, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng dưới 1%, thấp hơn so với mức cần thiết để đẩy giá dầu hồi phục từ mức thấp hiện nay. IEA cho rằng giá dầu sẽ không thể chạm mức 80 USD/thùng cho đến năm 2020 và sẽ còn lâu mới tiêu thụ hết nguồn cung dư thừa hiện tại. Theo IEA, giá dầu sẽ ở quanh mức khoảng 50 USD/thùng cho đến cuối thập kỷ này và cho đến tận năm 2040 vẫn chưa đạt mốc 85 USD/thùng.

Doanh nghiệp xăng dầu trong nước lo “ế”

Với việc giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, doanh nghiệp xăng dầu trong nước, điển hình là nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất đang lo “sốt vó”. Do sợ dầu sản xuất ra “ế”, NMLD Dung Quất phải gửi công văn khẩn về việc thiếu chỗ chứa dầu. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây lại có công văn khẩn gửi các cơ quan hữu trách về nguy cơ không còn chỗ chứa xăng dầu thành phẩm của Dung Quất trong tháng cuối năm 2015.

Theo PVN, nếu thuế nhập khẩu xăng dầu hiện hành của Dung Quất không điều chỉnh giảm, nguy cơ khách bỏ hàng hoặc đẩy lùi lịch lấy hàng sang năm 2016 là rất có thể. Hiện chênh lệch thuế nhập khẩu của dầu DO Dung Quất so với hàng nhập khẩu có xuất xứ form D từ các nước ASEAN tăng lên mức 10% kể từ đầu năm 2016 nên khách hàng từ chối hoặc hạn chế mua hàng của Dung Quất. Trong tháng 12.2015, dự kiến NMLD Dung Quất sẽ sản xuất khoảng 620.000 - 630.000 m3 xăng dầu. Với khối lượng khách hàng cam kết tiêu thụ hàng tháng khoảng 520.000 m3 thì còn dư một lượng hàng khoảng 100.000 - 110.000 m3 xăng dầu.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, PVN tiếp tục báo cáo về tác động của chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi đối với sản phẩm của NMLD Dung Quất. PVN cho biết, chênh lệch thuế suất khiến các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đổ xô nhập khẩu từ nguồn các nước ASEAN để hưởng chênh lệch thuế, khiến NMLD Dung Quất có thời gian rơi vào ế ẩm, các mặt hàng dầu sản xuất ra không tiêu thụ được. PVN kiến nghị Chính phủ trong ngắn hạn xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu để đảm bảo sản phẩm của NMLD Dung Quất không bị dồn ứ.

TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đã rất nhiều lần PVN xin ưu đãi cho NMLD Dung Quất và cứ kéo dài mãi như vậy sẽ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Theo TS Lưu Bích Hồ, đối với trường hợp của NMLD Dung Quất cần xem xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất, NMLD Dung Quất cũng phải tự vươn lên cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập thuế về 0%. Doanh nghiệp phải tự lo cho mình, không thể lấy lý do này, lý do kia để xin ưu đãi. Thứ hai, dù có đặt vấn đề ưu đãi, Nhà nước cũng rất khó giải quyết bởi ngân sách Nhà nước đang cạn kiệt, bị hụt thu do giá dầu giảm, lấy gì để ưu đãi cho nhà máy nếu cứ giảm thu từ các khoản thuế?!

“Chúng ta không thể giá dầu thế giới giảm mà giá trong nước vẫn cứ đứng ở mức cao và buộc người tiêu dùng phải mua xăng dầu với giá cao vì doanh nghiệp trong nước được ưu đãi” - ông Lưu Bích Hồ nhìn nhận.

Giá dầu thế giới đang tiếp tục giảm mạnh. Trên thị trường London, giá dầu Brent hôm nay hạ 1,63 USD/thùng tương đương 3,4% xuống 45,81 USD/thùng. Đã có lúc giá dầu xuống 45,62 USD/thùng, mức thấp nhất từ ngày 27.8.2015. Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI cũng hạ 1,28 USD/thùng, tương đương 3% xuống 42,93 USD/thùng. Hiện tại, cả giá dầu Brent và giá dầu WTI đang ở mức thấp nhất trong 2 tháng rưỡi và giảm hơn 40% so với thời điểm cùng kỳ năm 2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN