Giá cước tăng vọt, Grab có vi phạm luật cạnh tranh?
Kể từ ngày 8-4, Uber đã chính thức thuộc về Grab. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như gần đây, không chỉ vào giờ cao điểm, mà nhiều khung giờ khác trong ngày, giá cước của dịch vụ Grab bỗng “tăng vọt”. Nhiều khách hàng đang đặt nghi ngờ, liệu sau khi “thao túng” thị trường, Grab có đang vi phạm luật cạnh tranh?
Thời gian gần đây, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của Grab đang cảm thấy bị “móc túi” vì giá cước liên tục tăng cao. Chị Thanh Huyền ở Phạm Ngũ Lão chia sẻ, trước khi để đi đoạn đường từ Phạm Ngũ Lão xuống đường Ngọc Hồi, với chiều dài chưa tới 10km, giá cước của Grab thường dao động từ 80.000-110.000 đồng giờ không cao điểm.
“Thế nhưng, gần đây sau khi mua được Uber, tôi có cảm giác giá tăng vọt. Cũng đoạn đường đấy, giờ đây khi gọi xe tôi thây có giá thường báo từ 130.000đ-150.000đ/ lần di chuyển, dù thời điểm gọi xe không phải là cao điểm. Còn giờ cao điểm có thể lên tới 200.000/lượt.”, chị Huyền phàn nàn.
Tương tự, chị Hương Lan (Thụy Khuê) cho hay, vì sự tiện lợi từ khi có dịch vụ taxi công nghệ, chị vẫn hay gọi xe đi. Thế nhưng, ngày 4-4, chị đặt cước xe từ 196 Thụy Khuê đi về 953 Đê La Thành, khung giờ bình thường, giá Grab báo là 48.000đ. Nhưng vì hệ thống bận, nên chị đã bắt taxi truyền thống đi, lúc xuống xe đồng hồ tính tiền cước chỉ hết có 30.000đ, như vậy là rẻ hơn cước của Grab khá nhiều.
Không chỉ 1, 2 người khách thấy bất thường về giá cước của Grab, mà gần đây, khá nhiều người gặp tình cảnh tương tự. Người dân bắt đầu nghi ngờ đặt câu hỏi liệu ở đây có sự độc quyền rồi tự ý nâng giá? Điều này có vi phạm luật cạnh tranh? Cơ quan chức năng sẽ làm gì để bảo vệ người dân?
Trên thực tế, tại một cuộc họp gần đây, chính Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận điểm yêu của chúng ta là chưa quản lý được vấn đề giá với taxi công nghệ.
Ngày 4-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết khi hết thời hạn quy định nộp báo cáo vụ mua lại Uber (ngày 3-4), Grab vẫn chưa gửi thông tin tới Bộ Công Thương. Bộ Công Thương đã có công văn nhắc nhở Grab. Doanh nghiệp này cam kết nộp báo cáo trước ngày 6-4.
Ông Hải cho biết: Các doanh nghiệp mới có thông báo trên mạng, thông báo cho các lái xe của Grab, Uber việc sáp nhập sẽ áp dụng từ ngày 8-4 mà chưa thông báo đến cơ quan quản lý. Trong khi đó, theo quy định, nếu mua bán doanh nghiệp có thị phần 30-50% phải báo cáo cơ quan này.
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai thông tin, hiện Uber vẫn còn nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TP Hồ Chí Minh dù cơ quan quản lý đã tiến hành nhiều biện pháp đòi nợ.
Sau khi Grab mua lại Uber, bà Mai khẳng định: “Các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó”. Điều này có nghĩa, Grab phải có trách nhiệm trả khoản nợ 53,3 tỷ đồng thay Uber.
Việc sáp nhập Uber vào Grab tại Đông Nam Á, các chuyên gia cho rằng nếu xét ở góc độ pháp lý về mua bán - cạnh tranh, thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu Cục Quản lý cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Trước đó, Ngày 27-3, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu Grab cung cấp thông tin vụ việc để làm rõ. Theo văn bản này, trên nguyên tắc để hoàn thành thương vụ ở thị trường Đông Nam Á, Grab và Uber phải xin phép cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước tại Đông Nam Á có quy định này.
Văn bản cũng nêu rõ để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ mua lại nêu trên, hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á.
Rút chân khỏi thị trường Đông Nam Á, Uber nhận lại 27,5% cổ phần của đối thủ và chấm dứt cuộc cạnh tranh khốc liệt...