Giá cau tươi tăng mạnh, vì sao nông dân 'đứng ngồi không yên'?
Hiện mỗi ký cau tươi có giá dao động từ 55.000 - 60.000 đồng, khiến người dân vùng trồng cau Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi rất phấn khởi. Tuy nhiên, điều này cũng khiến họ lo lắng thị trường xuất khẩu sẽ ngừng “ăn hàng”.
Tỉnh Quảng Ngãi nổi tiếng với diện tích trồng cau rộng lớn. Nhiều năm trước, giá cau ở Quảng Ngãi bấp bênh, có thời điểm giá cau xuống thấp còn từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng gần đây, giá cau duy trì ở mức từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, mang lại niềm vui lớn cho nông dân.
Theo người trồng cau, năm nay giá cau đã cao ngay từ đầu vụ (vào khoảng giữa tháng 6) với hơn 40.000 đồng/kg khiến họ rất bất ngờ, bởi tăng gần cả chục lần so với các năm trước. Giá cau đạt kỷ lục mang đến cho người nông dân nguồn thu nhập khá ngay từ đầu vụ.
Hiện tại, thương lái từ khắp nơi đổ về các làng quê của huyện Nghĩa Hành để thu mua cau tươi.
Ông Trần Văn Nam (trú xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) cho hay, gia đình ông trồng 400 cây cau 5-6 năm tuổi. Với giá cau hiện tại là 60.000 đồng/kg, mỗi cây cau mang lại cho gia đình khoảng 700.000 đồng lợi nhuận. Đây là mức thu lãi cao mà ít cây trồng nào ở Quảng Ngãi có thể sánh được.
“Cau sẽ cho thu hoạch từ tháng 7 đến cuối năm, trung bình 20-25 ngày/lứa. Năm nay cau không được mùa nhưng được giá. Đầu vụ giá cau 42.000 đồng/kg rồi tăng dần, bây giờ là 60.000 đồng/kg. Hi vọng mức giá sẽ duy trì đến cuối mùa”, ông Nam nói.
Bên cạnh nỗi lo mất mùa, mất trộm khi giá cau tăng, người dân Quảng Ngãi còn mang theo nỗi sợ của nhiều năm trước. Khi ấy giá cau đỉnh điểm lên đến 95.000 - 100.000 đồng/kg, sau đó lại rớt giá thê thảm. Đến năm nay, giá cau lại tăng mạnh từng ngày. Câu chuyện bình ổn giá đang là vấn đề nan giải của những người dân sống nhờ cau.
“Hy vọng giá cau cứ ở mức 50.000 đồng/kg là tôi mừng rồi. Thu nhập ổn định, bền vững thì người dân vui hơn nhiều so với việc tăng vụt giá rồi sau đó rớt giá mạnh”, bà Lê Thị Nghỉ (trú xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) nói.
Cau từ Quảng Ngãi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này tăng cao, giá cau cũng thường tăng theo. Sau khi thu mua, cau được tiểu thương hấp, sấy khô và bán lại cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác.
Do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên giá cau cũng như nhiều loại nông sản khác (ớt, dưa hấu...) luôn biến động bất thường.
“Có năm thu mua với giá 20.000 - 30.000 đồng/kg về sấy khô để xuất đi Trung Quốc. Thế nhưng cau sấy chưa kịp khô thì giá tuột xuống, chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá cả nông sản xuất sang Trung Quốc thay đổi từng ngày, không thể biết trước được”, anh Nguyễn Minh, chủ một vựa cau nói.
Người dân huyện miền núi Sơn Tây dùng cây lồ ô quấn xung quanh thân cây cau để chống "cau tặc".
Huyện miền núi Sơn Tây được mệnh danh là “xứ ngàn cau”. Toàn huyện có tới trên 1.000ha cau, trong đó trên 500ha đang cho trái.
“Hiện bà con trồng cau ở huyện Sơn Tây rất phấn khởi vì giá cau tăng cao đột biến. Mấy ngày qua thương lái thu mua cau rầm rộ. Giá cau cao nên bà con rất mừng, nhưng có điều cũng lo. Lo là đến thời điểm chính vụ thị trường Trung Quốc ngừng thu mua thì cau lại rớt giá như mọi năm”, ông Phạm Hồng Khuyến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây - cho hay.
Nhờ dám nghĩ dám làm và không ngừng học hỏi, chị Lương Thanh Hương, huyện Tháp Mười đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn thương phẩm và lợn giống công nghệ cao.
Nguồn: [Link nguồn]