Giá cá tra thấp nhất trong vòng 10 năm, nông dân lỗ nặng
Thị trường cá tra đang chứng kiến những biến động khó lường về giá, sau một thời gian tăng phi mã thúc đẩy người dân đào ao mở rộng quy mô nuôi, hiện giá cá tra đang giảm xuống mức thấp nhất 10 năm qua. Theo ông Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nếu ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra vẫn còn giữ kiểu “mạnh ai nấy làm” thì sẽ thất bại.
Khảo sát cho thấy, giá cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm sâu. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Đúng là giá cá tra ở ĐBSCL đang giảm đến mức thê thảm, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hiện, giá thu mua cá tra của các nhà máy chỉ đạt khoảng 19.000 – 20.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 5.000 – 6.000 đồng/kg.
Điều đáng lo ngại là thị trường xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc do những rào cản kỹ thuật.
Tháng 5/2019, nhập khẩu cá da trơn của Mỹ giảm tới 56,84% về lượng và giảm 59,47% về trị giá so với tháng 5/2018, đạt 4.195 tấn, trị giá 16,66 triệu USD. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra của Việt Nam sang Mỹ đạt 141,9 triệu USD, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm trước, riêng tháng 6/2019, giá trị XK cá tra sang thị trường này giảm mạnh tới 40,8%.
Tác động của việc tăng thuế bán phá giá trong đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) đã ảnh hưởng rõ nét hơn tới XK cá tra Việt Nam sang thị trường này. Có một diễn biến đáng lo ngại là Hoa Kỳ tăng nhập khẩu thủy sản từ hầu hết thị trường cung cấp lớn trong tháng 5/2019, trừ Việt Nam.
Tại thị trường Trung Quốc – Hồng Kông, 6 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang thị trường này có chiều hướng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các năm trước. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường này đạt 254,3 triệu USD, tăng 1,2%.
Trong khi thị trường XK khó khăn thì diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL lại tăng đột biến. Chỉ tính riêng trong năm 2018, diện tích nuôi mới đạt 3.819ha. Con số này năm 2019 còn khó kiểm soát.
Giá cá tra giảm sâu, nông dân lỗ nặng. Ảnh: I.T
Nhiều ý kiến cho rằng, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới được ký kết và có hiệu lực như CPTPP hay EVFTA sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có thủy sản. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo lộ trình cam kết trong EVFTA, trong 3 năm tới, thuế suất thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sẽ về 0%, đây là lợi thế cho chúng ta.
Có một tín hiệu đáng mừng là, trong nửa đầu năm nay, giá trị XK cá tra sang EU đạt 138,5 triệu USD, tăng 18% và chiếm 14,4% tổng giá trị XK cá tra. Dự báo, quý III/2019, XK cá tra sang EU tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng tương đương với hai quý đầu năm.
Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan, dù thuế có giảm về mức 0% thì những hàng rào kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ vẫn giữ nguyên, thậm chí còn khắt khe hơn do yêu cầu của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao. Do đó phải nâng cao chất lượng thì mới nắm bắt được cơ hội và không phải thua ngay trên sân nhà.
Từ tháng 3-6/2019, giá trị XK cá tra giảm từ 6-17,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng giá trị XK cá tra đạt 961,6 triệu USD, giảm 4,1% so với nửa đầu năm trước. |
Đã có những thông tin Trung Quốc đang nỗ lực mở rộng nuôi cá tra, về lâu dài đây có phải là một áp lực mới trong cạnh tranh của con cá tra Việt Nam?
- Không phải chỉ có Trung Quốc mà cả Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia cũng đang mở rộng nuôi cá tra, thậm chí sản lượng của Trung Quốc còn không lớn bằng các nước kia. Do đó, nếu người ta làm được thì mình phải cũng phải xem chừng,
Năm 2018 chứng kiến việc nhiều người dân quay trở lại đào ao nuôi cá tra sau khi thấy giá cá khởi sắc, chưa kịp vui thì giá cá năm 2019 lại giảm. Tại sao trong nhiều năm qua, câu chuyện này cứ lặp đi lặp lại mà không có giải pháp tháo gỡ, thưa ông?
- Trong câu chuyện này chỉ đổ lỗi cho nông dân cũng khó. Người dân khi thấy có lời sẽ đào ao nuôi để cải thiện thu nhập, không có mệnh lệnh hành chính nào có thể cấm được việc này.
Điều cần bàn là việc quản lý quy hoạch có nhiều bất cập, chúng ta hô hào nông dân liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất khép kín nhưng hiện nay vấn đề quản lý quy hoạch, liên kết vùng chưa hiệu quả, điều này dẫn đến diện tích tăng khó kiểm soát.
Đây chính là lý do khi giá cá cao, người dân ồ ạt mở rộng diện tích, doanh nghiệp cũng tranh mua tranh bán, tạo sự hỗn loạn của thị trường. Nhưng khi khủng hoảng thì mạnh ai nấy bán, không cần biết đến quyền lợi chung. Đây cũng là điểm yếu cố hữu, mang tính “tử huyệt” có thể kéo uy tín ngành cá tra đi xuống.
Trước tình hình khó khăn của người nuôi cá tra, theo ông, cần những giải pháp gì?
- Theo tôi, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại để tiêu thụ hết lượng cá tra trong dân, không thể hô khẩu hiệu chung chung mà khó ở đâu, gỡ ở đó.
Vì không như mặt hàng khác, đối với cá tra chỉ cần thị trường ùn tắc là nông dân lỗ nặng vì cá tra đến cỡ là phải tiêu thụ, càng quá size càng lỗ, doanh nghiệp cũng không thu mua.
Về dài hạn, ngành cá tra cần đổi mới công nghệ, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu. Hiện nay, cá tra Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu dù đứng số một thế giới.
Đã hội nhập quốc tế, đâu phải một mình một chợ, nếu không khẳng định bằng thương hiệu, chất lượng là thua.
Xin cảm ơn ông!
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đang xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây