Giá cả tăng nếu lại tăng thuế xăng dầu
Tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu không chỉ đẩy giá các loại nhiên liệu tăng mà còn khiến mặt bằng giá cả tăng chóng mặt.
Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít...
Dân thắt lưng, doanh nghiệp buộc bụng
Mỗi lần giá xăng tăng trên dưới 1.000 đồng, anh Minh Quân (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại lo lắng vì giá mớ rau, miếng thịt, củ hành, ký gạo… đều tăng theo. Khi đó chi phí sinh hoạt của gia đình anh cũng tăng lên. Tăng chi phí sinh hoạt vài trăm ngàn đồng mỗi tháng đối với gia đình khá giả không đáng ngại nhưng với những người thu nhập thấp như gia đình anh thì rất đáng lo.
“Chưa nói đến giá xăng dầu, mới đây khi có thông tin từ ngày 1-7, lương cơ bản tăng được 90.000 đồng, ông chủ nhà trọ đã thông báo sẽ tăng giá nhà trọ thêm 100.000 đồng từ đầu tháng 8. Rồi tiền gas, tiền thịt heo cũng tăng, sắp tới nếu thuế tăng kịch khung thì giá xăng dầu cũng leo thang. Như vậy không chỉ tiền thuê nhà, tiền đồ ăn, thức uống, áo quần cũng đua nhau tăng theo. Người dân nghèo đã khổ càng khổ hơn” - anh Quân thở dài.
Anh Nguyễn Trung Thành ở đường Nguyễn Văn Quá (quận 12, TP.HCM) phân tích thuế môi trường tăng thì chắc chắn giá xăng dầu tăng lên tương ứng. Hiện nay mỗi tháng gia đình anh phải chi khoảng 5-6 triệu đồng tiền xăng cho hai chiếc ô tô phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và kinh doanh. Giá xăng tăng buộc gia đình anh phải tiết kiệm, giảm bớt những khoản chi tiêu về vui chơi, giải trí cuối tuần.
Điều đáng lo ngại hơn được anh Thành chia sẻ là khi giá xăng dầu tăng kéo theo “cơn bão giá” hàng hóa tiêu dùng ập đến, giá dịch vụ khác cũng tăng theo. Khi đó chi phí sinh hoạt gia đình hằng tháng tăng lên, buộc người dân phải thắt lưng buộc bụng.
Mỗi lít xăng dầu hiện nay đang phải gánh rất nhiều loại thuế, phí. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Tăng thu thuế để bảo vệ môi trường thì người dân đồng tình. Nhưng thử hỏi số tiền thuế thu bao nhiêu năm qua dùng làm gì, hiệu quả ra sao chúng tôi không hề biết. Thuế môi trường dân vẫn nộp; yêu cầu xe kiểm định khí thải, ô tô phải đạt tiêu chuẩn Euro4 người dân chấp hành nhưng không khí vẫn ô nhiễm, kênh rạch vẫn hôi thối, nhà máy vẫn xả thải tràn lan… Thử hỏi những người dân sống ở đô thị lớn của Việt Nam có ai không kêu ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng” - ông Thành bức xúc.
Việc đề xuất tăng thuế xăng dầu mức kịch khung cũng bị nhiều doanh nghiệp cho rằng không hợp lý. Ông Bùi Danh Liên, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải Thăng Long, nói hiện nay hầu hết doanh nghiệp vận tải hoạt động đã chịu rất nhiều thuế, phí cầu đường làm chậm phát triển thua lỗ. Nếu tăng thuế xăng, nhà kinh doanh đã khó lại càng khó thêm. Đó là chưa kể khi giá xăng tăng, khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí.
Hơn nữa theo ông Liên, việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung 4.000 đồng/lít là quá cao. Hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35%-50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì chắc chắn giá cước cũng sẽ tăng.
“Khi giá cước tăng thì chi phí vận tải của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên, giá thành buộc phải tăng, làm giảm tính cạnh tranh. Nhất là trong thời kỳ hội nhập, chi phí sản xuất cao sẽ khiến doanh nghiệp trong nước thua doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà” - ông Liên bày tỏ.
Tính hợp lý rất thấp
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng nếu vì nguồn thu thuế nhập khẩu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp chịu thiệt.
Lý do là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể cạnh tranh được với đối thủ.
“Khi đó doanh nghiệp gặp khó khăn, lợi nhuận giảm, như vậy nguồn thu cho Nhà nước sẽ mất đi và không bền vững. Do đó Chính phủ cần phải có chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp, cải cách chi tiêu, giảm chi tiêu và tăng tính hiệu quả sử dụng ngân sách. Việc tăng thuế cũng phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước để có mức tăng cho phù hợp” - ông Thành góp ý.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam, phân tích việc tăng thuế môi trường là hợp lý nếu dùng nguồn thu tiền thuế đó vào các hoạt động, công trình bảo vệ môi trường. Thế nhưng trong bối cảnh mỗi lít xăng hiện đã cõng rất nhiều loại thuế, phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.
“Quan trọng nhất vẫn là vấn đề minh bạch, công khai khoản thu, chi thuế bảo vệ môi trường. Thứ hai là phải có khảo sát, nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng thuế này ảnh hưởng thế nào đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế” - ông Hiệp nói.
Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng thuế xăng dầu Ngày 12-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Mặc dù Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định “tăng thuế xăng dầu có thể tăng chỉ số tiêu dùng thêm chút nhưng thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu ngân sách thì cũng tốt” nhưng nhiều đại biểu đề nghị phải hết sức cân nhắc vì có thể gây nhiều hệ lụy cho người dân và nền kinh tế. Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Tôi thấy nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, có nhiều đại biểu không nói nhưng tôi thấy có nhiều băn khoăn. Vì vậy chúng ta nên tạm dừng biểu quyết ở đây để thảo luận và cân nhắc thêm vào kỳ họp tháng 8-2018”. Đề nghị này của Chủ tịch Quốc hội đã được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí. |