Giá cả sinh hoạt ở Hà Nội đắt nhất nước
Số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê điều chỉnh tăng từ 6,11% lên 6,28%. Trong khi đó, Hà Nội và một số tỉnh Tây Bắc giá cả sinh hoạt đắt đỏ nhất nước.
Do tạm tính
Chiều 26/6, Tổng cục Thống kê đã họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2015. Tại đây, Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,28%. Con số này đã gây bất ngờ cho nhiều người, bởi trước đó 2 ngày (ngày 24/6), tại cuộc họp của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê lại đưa ra con số GDP 6 tháng qua chỉ tăng 6,11%. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, GDP đã tăng 0,17%.
Giải thích về con số trên, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê cho biết: Con số tăng trưởng 6,11% công bố hôm 24/6 mới là tạm tính, trên cơ sở số liệu thu thập cuối tháng 5 đầu tháng 6 để Bộ KH&ĐT xây dựng kế hoạch. Trong khi đó, con số tăng trưởng 6,28% là chính thức, trên cơ sở số liệu đầy đủ, chính xác, làm cơ sở để Chính phủ hoạch định chính sách phát triển. “Yêu cầu đưa ra số liệu càng sớm chất lượng thông tin sẽ càng kém. Do đó, chúng tôi đã đề xuất Chính phủ không nên yêu cầu số liệu quá sớm”, ông Lâm nói.
Hà Nội là địa phương có giá cả sinh hoạt đắt nhất cả nước. Ảnh: Như Ý.
Người đứng đầu ngành thống kê cho rằng, mức tăng trưởng GDP 6,28% là cao nhất từ năm 2011 tới nay. “Mức tăng trưởng đó dựa trên nền tảng lạm phát thấp, đầu tư không phải quá lớn. Điều đó cho thấy không phải lạm phát hay đầu tư dẫn tới tăng trưởng, mà nền kinh tế tăng trưởng tích cực và có nét mới”, ông Lâm nói. Theo ông Lâm, 6 tháng qua, tiền người dân gửi vào ngân hàng giảm so với cùng kỳ. Điều này cho thấy họ đã có kênh để đầu tư thay vì gửi vào ngân hàng…
TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Việt Nam) cho rằng, số liệu thống kê cũng chỉ là tương đối, có thể sau này còn hiệu chỉnh nữa. “Từ đầu năm, tôi đã dự báo năm nay số liệu tăng trưởng sẽ tốt”, ông Hồ nói. Theo chuyên gia này, dù sao số liệu GDP 6 tháng đầu năm cũng rất khả quan, nhưng chủ yếu vẫn do bơm vốn ra đầu tư, chưa phải thực chất từ năng suất, chất lượng, hiệu quả… Do đó, theo ông Hồ, Chính phủ vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm để tăng trưởng thực chất hơn.
Nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm, ông Lâm đưa ra 3 kịch bản: Với trường hợp ngành nông nghiệp còn tiếp tục khó khăn (do hạn hán, thị trường xuất khẩu…), khai thác dầu thô vẫn theo kế hoạch (cả năm đạt 14,7 triệu tấn), tốc độ tăng trưởng GDP khó đạt 6,2% như Quốc hội đề ra. Trường hợp ngành nông nghiệp gặp khó nhưng Chính phủ có giải pháp để hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ… tốc độ tăng trưởng sẽ đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Cuối cùng, tốc độ tăng trưởng có thể vượt mục tiêu đề ra nếu Chính phủ và các bộ ngành có chính sách linh hoạt (đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa và cải cách hành chính), ngăn chặn được hàng lậu, hàng nhái để bảo vệ sản xuất trong nước và tăng trưởng xuất khẩu.
Hà Nội có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ nhất nước
Tại cuộc họp, Tổng cục Thống kê cũng công bố điều tra chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) giai đoạn 2010-2014. Theo đó, giai đoạn 2010-2012, TPHCM là địa phương có giá sinh hoạt cao nhất nước. Tuy nhiên, giai đoạn 2012-2014, Hà Nội đã giành lấy vị trí số 1, xếp sau là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh, TPHCM…
Nếu xét theo vùng, giá sinh hoạt ở các tỉnh vùng Tây Bắc đắt đỏ nhất cả nước (cao hơn 8% so với vùng gốc để so sánh là Đồng bằng sông Hồng), tiếp đến là vùng Đông Nam bộ (cao hơn 2%), Đông Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ… Vùng có giá rẻ nhất nước là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (thấp hơn 5%).
“Mức độ đắt đỏ của vùng Tây Bắc đang có xu hướng ngày càng tăng ở hầu hết các nhóm hàng, như may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông, thiết bị gia đình… Điều này có thể do chi phí lưu thông hàng hóa tới khu vực Tây Bắc quá cao, tác động tới giá hàng hóa tiêu dùng của người dân”, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) nói. Bà Thủy đề xuất, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ khu vực Tây Bắc.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng qua, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 3,8 triệu lượt người, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách tới từ những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga… đều giảm. Hậu quả, nguồn thu từ du lịch giảm khoảng 11.631 tỷ đồng. |