Giá cà phê tiếp tục tăng cao vì khô hạn
Các hộ trồng cà phê tại Tây Nguyên đang hạn chế bán hàng ra nhằm chờ mức giá cao hơn trong bối cảnh sản lượng cà phê niên vụ này có thể giảm mạnh vì thời tiết khô hạn.
Một cuộc thăm dò ý kiến các thương nhân và nhà vận tải cà phê do hãng tin tài chính Bloomberg thực hiện cho thấy, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên có thể đã bán ra 820.000 tấn cà phê tính tới thời điểm này của niên vụ, tương đương 57% sản lượng thu hoạch, so với mức bán ra khoảng 60% sản lượng cùng thời điểm này năm ngoái.
Niên vụ cà phê 2012-2013 bắt đầu vào tháng 10 năm ngoái, với mức sản lượng có khả năng giảm khoảng 13% còn 1,43 triệu tấn từ mức kỷ lục 1,65 triệu tấn trong niên vụ 2011-2012 - theo kết quả cuộc thăm dò nói trên.
Nguồn cung cà phê từ châu Á suy giảm có thể sẽ khiến giá cà phê robusta tăng năm thứ 2 liên tục, theo Bloomberg. Xuất khẩu từ Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới, đang suy giảm do tiêu dùng cà phê nội địa ở nước này tăng. Theo dự báo, xuất khẩu cà phê của Indonesia trong vòng 12 tháng bắt đầu vào ngày 1/4 tới có thể chỉ đạt mức 450.000 tấn, thấp hơn 7,4% so với mức 486.000 tấn của năm nay.
Công nhân chế biến cà phê trong một nhà máy ở Tp.HCM - Ảnh: Bloomberg.
Trong khi đó, nhu cầu cà phê robusta toàn cầu đang gia tăng do nhu cầu sử dụng cà phê arabica đắt tiền hơn suy giảm. Tăng trưởng tiêu thụ cà phê hòa tan được báo sẽ vượt mức tăng trưởng tiêu thụ cà phê rang xay. Cà phê robusta được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan, trong khi cà phê arbica được dùng để chế biến các loại cà phê rang xay cao cấp như trong chuỗi nhà hàng cà phê Starbucks.
Số liệu từ Macquire cho thấy, trong vòng 1 năm tính đến tháng 9/2012, lượng tiêu thụ cà phê robusta toàn cầu đã tăng 11%, trong khi tiêu thụ cà phê arabica giảm 6,2%. Còn theo dự báo của Rabobank International, nhu cầu cà phê hòa tan sẽ tăng 6,5% trong thời gian từ năm 2012-2017, cao hơn mức tăng 6% dự báo cho cà phê rang xay trong cùng khoảng thời gian.
“Rất khó để mua cà phê vào thời điểm này vì các hộ tiếp tục găm hàng chờ giá cao hơn”, ông Lê Tiến Hùng, Phó giám đốc công ty Xuất nhập khẩu 2/9, cho biết. Theo ông Hùng, thời tiết khô hạn có thể ảnh hưởng tới sản lượng vụ thu hoạch tới, nên các hộ trồng cà phê càng không muốn bán hàng.
Sáng nay (8/3), giá cà phê tại Tây Nguyên đạt mức 43.700-43.800 đồng/kg, cao nhất kể từ đầu tháng 10/2012 và tăng 700 đồng/kg so với hôm qua.
Mực nước tại nhiều hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên hiện chỉ ở mức 20-50% công suất thiết kế. Các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo rằng, thời tiết khô hạn hiện nay có thể ảnh hưởng xấu tới sản lượng lúa gạo và cà phê.
Cơ quan Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, thời tiết khô hạn ở 5 tỉnh trồng cà phê lớn nhất Tây Nguyên, bao gồm Đắc Lắc, sẽ còn tiếp tục và có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Cây cà phê trồng ở Tây Nguyên thường ra hoa và kết quả trong thời gian từ tháng 1-3 hàng năm.
Chốt phiên giao dịch ngày 7/3 tại London, giá cà phê robusta giao sau tăng 38 USD/tấn, lên mức 2.123 USD/tấn. Từ đầu năm tới nay, giá cà phê robusta tại London đã tăng 10%, sau khi tăng 6,3% trong năm 2012.
Tại New York, giá cà phê arabica giao tháng 5 tăng 1,85 cent/pound lên mức 1,431 USD/pound. Mức chênh giá giữa cà phê arabica so với cà phê robusta đã giảm 21% trong năm nay sau khi giảm 61% trong năm 2012.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê của châu Á đã tăng 13%, đạt mức 41 triệu bao loại 60 kg trong niên vụ 2011-2012. Châu Á chiếm 30,5% sản lượng cà phê toàn cầu.
Cà phê robusta chủ yếu trồng ở châu Á và một số nước châu Phi. Trong khi đó, cà phê arabica được trồng chính ở Mỹ Latin.