Giá cà phê tăng mạnh, nông dân Tây Nguyên vẫn... lỗ nặng
Cà phê tăng khoảng 25%, nhưng giá nhân công tăng, phân đạm tăng gần gấp đôi, người nông dân vẫn lỗ sau thu hoạch.
Giá cà phê đang hơn 41.000 đồng/kg. Tuy nhiên, để có lãi, giá cà phê phải lên gần 50.000 đồng/kg.
Nhọc nhằn “bài toán” nhân công
Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang vào mùa hái cà phê, nhưng thiếu nhân công trầm trọng.
Ông Hoàng Tiến Lục, xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) cho biết: từ giữa tháng 11, mọi gia đình đi hỏi các đầu mối dẫn dắt người lao động từ các tỉnh miền Trung lên nhưng cũng "bó tay".
Giá thuê nhân công năm ngoái chỉ giao động 1.000 - 1.200 đồng/kg, năm nay giá 1.500- 1.700 đồng/kg nhưng cũng không tìm được người hái.
Giá công hái cà phê tăng từ 1.000 đồng lên 1,500 đồng/kg nhưng vẫn thiếu nhân công hái cà phê
Mặc dù không tìm được nhân công trong tỉnh nhưng mấy ngày gần đây, người dân huyện Lâm Hà không dám thuê nhân công tỉnh khác đến nữa sau khi phát hiện một người đến từ Ninh Thuận dương tính Covid-19.
Cụ thể, ngày 16/11, ông C.P (ngụ xã Phước Chính, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đến huyện Lâm Hà bằng xe máy để hái cà phê thuê.
Tại huyện Lâm Hà, ông C.P được cơ quan chức năng test nhanh và xét nghiệm PCR đều có kết quả dương tính với Covid-19.
Đến 15h30 ngày 18/11, ông C.P trốn khỏi khu cách ly tập trung. Đến sáng 19/11, lực lượng chức năng bắt được khi ông C.P đang trốn trên một cây cao.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư Kpô, huyện Krông Búk có hơn 230 ha cà phê, khoảng 15 ngày nữa sẽ đến thời điểm thu hoạch.
Tuy nhiên, đơn vị này đang lo không có nhân công thu hái. Lãnh đạo HTX Dịch vụ Nông nghiệp Chư Kpô, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng nhân công này không thể đến thu hoạch cà phê được. “HTX xác định thiếu hụt 50% lao động thu hái cà phê".
Do đó, đơn vị đang làm tờ trình gửi chính quyền địa phương để tìm hướng giải quyết vừa đảm bảo cà phê chín tới đâu thu hoạch đến đó, vừa đảm bảo phòng chống dịch”, lãnh đạo HTX này nói.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, địa phương có hơn 200.000 cà phê với sản lượng gần 500.000 tấn và cần gần 15 triệu ngày công lao động. Còn tại tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết dự kiến niên vụ 2021-2022, tổng diện tích cà phê cho thu hoạch khoảng trên 120.000 ha và cần trên 13 triệu ngày công lao động phục vụ thu hái. Dự báo khả năng lực lượng lao động thu hái tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 50%. Phần còn lại địa phương đang cố gắng tìm kiếm.
Tại Gia Lai, Kon Tum có hơn 114.000 ha cà phê. Hàng năm lực lượng lao động tại chỗ cũng chỉ đáp ứng lần lượt khoảng 60% và 40%, còn lại là lao động thời vụ từ các tỉnh miền Trung đến. Với tình trạng thiếu hụt lao động trên đang khiến vụ thu hoạch cà phê năm nay đứng trước nguy cơ bị thất thoát, giảm chất lượng và khả năng đẩy giá nhân công lên cao, khiến người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết đã đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm các huyện, thành phố rà soát, hướng dẫn những người chưa có việc làm thành lập tổ, nhóm phục vụ công tác thu hoạch cà phê tại các địa phương. Các địa phương cũng chủ động rà soát lực lượng lao động trên địa bàn có nhu cầu thu hái cà phê để giới thiệu cho người dân thỏa thuận, thuê mướn hợp lý, tránh việc lợi dụng tình hình khan hiếm lao động để đẩy giá nhân công lên cao.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành văn bản, yêu cầu các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch giúp người dân thu hái cà phê.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các huyện chủ động xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà phê cho phù hợp với các diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Trong đó, các địa phương cần chú ý đến các vùng cấp độ 3 (vùng nguy cơ cao) và vùng cấp độ 4 (vùng nguy cơ rất cao), vì không chỉ thu hoạch cà phê mà việc tổ chức sản xuất nông nghiệp, thu hoạch các loại nông sản khác cũng sẽ khó khăn.
"UBND các huyện làm việc trực tiếp với cơ quan quân sự địa phương để thống nhất, có văn bản báo cáo đề xuất UBND tỉnh, cơ quan quân sự cấp tỉnh xem xét huy động các lực lượng vũ trang tham gia thu hái cà phê”, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu.
Người dân rất cần bộ đội giải cứu tình trạng thiếu nhân công hái cà phê
Chi phí đầu vào quá cao, nên người dân vẫn lỗ
Giá cà phê giữa tháng 11 tại Tây Nguyên dao động ở mức 40.400 - 41.300 đồng/kg. Giá cà phê nhân Đắk Lắk duy trì đà tăng. Đây là mức giá cà phê, trong đó có giá cà phê Robusta tăng cao nhất nhiều năm nay. So với cùng kỳ nhiều năm, giá cà phê nhân hôm nay tăng khoảng 10.000 đồng/kg. Giá cà phê Robusta Đắk Lắk cũng cao hơn rất nhiều cùng kỳ năm 2020.
Lý giải nguyên nhân giá cà phê tăng nhưng nông dân vẫn kêu lỗ, bà Nguyễn Thị Lương (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhà có 1 ha cà phê, dự kiến năm nay thu hoạch được khoảng 2 tấn cà phê nhân, bán được khoảng 80 triệu đồng. So với giá cà phê năm ngoái thì doanh thu từ trồng cà phê của nhà bà Lương tăng được 20 triệu, nhưng thực tế gia đình không được thêm đồng nào, thậm chí còn lỗ.
Trồng cà phê muốn có ăn thì ít nhiều cũng phải bón phân, xịt thuốc. Mà giá phân bón tăng vô tội vạ thế thì giá cà phê có tăng thế, tăng nữa cũng không đuổi kịp giá phân bón.
Tương tự anh Nguyễn Đăng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) có 1ha cà phê, trong một năm tôi bỏ 4 đợt phân hết 59 triệu, tiền điện nước tưới 5 lần hết 10 triệu; công làm cỏ, công hái, công bón phân,…hết khoảng 30 triệu nữa.
"Năm nay dự tính thu khoảng 3 tấn, với giá cà phê nhân bán hôm nay thì được khoảng 126 triệu, trừ hết còn lời 27 triệu. Cả một năm làm quần quật, bỏ hết công sức mà lời có 27 triệu đồng, bấy nhiêu tiền lời có đủ sống...?".
Ông Nguyễn Văn Chúc (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) nói nếu cộng cả tiền lãi của khoản vốn vay đầu tư thì nông dân trồng cà phê vẫn lỗ nặng. Giá cà phê trong tuần tới tăng thêm khoàng 9.000 đồng/kg thì may ra mới có lãi đôi chút.
"Tôi vì hoàn cảnh gia đình không đi xa được, chứ tính ra trồng 1 ha cà phê không bằng hai vợ chồng trẻ đi làm công nhân một năm", ông Chúc so sánh.
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông, năm nay giá cà phê tăng cao. Tuy nhiên, mức giá đó so với chi phí đầu vào quá lớn, nông dân vẫn chưa thực sự có lãi, nếu không muốn nói nhiều chủ vườn cà phê vẫn còn bị lỗ...
Nhưng cà phê mỗi năm chỉ thu hoạch một lần. Trong thời gian chờ đợi, để có tiền trang trải hàng trăm thứ, nông dân nghèo chấp nhận mượn tiền tại các đại lý phân bón, đại lý cà phê. Đến khi có được hạt cà phê nào thu về, chủ nợ liền trừ dần vào số nợ.
Ngày 18/11 giá cà phê bắt đầu giảm nhẹ khoảng 700-800 đồng/kg. Người dân Tây Nguyên lo lắng cuối mùa khi người nông dân ồ ạt bán hạt cà phê, giá còn giảm, chứ khó có thể tăng nữa.
Giá lợn hơi có thể sẽ khôi phục ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg trong thời gian tới nhưng khó chạm đỉnh 100.000 đồng/kg...
Nguồn: [Link nguồn]