Giá cà phê tăng cao kỷ lục, châu Âu chỉ trông chờ vào Việt Nam

Giá cà phê trong nước và trên sàn giao dịch quốc tế tăng liên tục trong những ngày vừa qua. Giá cà phê nhân trong nước gần đạt 70.000 đồng/kg - mốc cao nhất trong hơn 30 năm. Từ nay đến tháng 4/2024, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê rubosta. Nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam sẽ ở mức cao nhất thế giới trong năm 2024.

Theo ghi nhận, những ngày đầu tháng 12, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11. Diễn biến này trái với quy luật mọi năm khi vùng Tây Nguyên đang bước vào thời điểm thu hoạch, giá thường giảm do áp lực nguồn cung tăng lên.

Tính đến ngày 21/12, giá cà phê trung bình ở khu vực Tây Nguyên ở mức 67.900 - 68.600 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg (tương đương 17%) so với cuối tháng 11.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (Vicofa) - cho biết chưa bao giờ trong lịch sử xuất khẩu hơn 30 năm qua của Việt Nam và trong chính vụ thu hoạch giá cà phê lại cao đến như vậy.

Theo ông Hải, giá cà phê tăng cao xuất phát từ việc xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu sụt giảm. Nguyên nhân do kinh tế toàn cầu gặp khó ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm nay cũng sụt giảm khá nhiều về lượng, với mức giảm dự kiến cả năm là 15%. Đặc biệt, do ảnh hưởng về hạn hán, sản lượng cũng giảm so với mọi năm, đẩy giá cà phê nhân tăng cao, lên tới 70.000 đồng/kg.

Giá cà phê lập đỉnh ngay khi vào chính vụ.

Giá cà phê lập đỉnh ngay khi vào chính vụ.

“Nếu năm 2023, đến tháng 6, gần như không còn cà phê trong dân để các doanh nghiệp có thể thu mua thì sang năm 2024, chỉ đến tháng 5, thậm chí tháng 4 là đã có thể hết hàng. Từ nay đến tháng 4/2024, châu Âu gần như chỉ có thể trông vào Việt Nam để mua cà phê rubosta. Nhiều khả năng giá cà phê ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và có thể sẽ ở mức cao nhất thế giới trong năm 2024”, ông Hải dự báo.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Intimex Group - cho rằng, việc giá cà phê nhân xuất khẩu tăng cao mang lại niềm vui cho doanh nghiệp và người trồng. Tuy nhiên, khi giá tăng lịch sử, nông dân không được hưởng lợi vì khi giá cà phê lên, người dân đã ồ ạt bán cà phê ở mức 50.000 đồng/kg.

Thậm chí, một số hộ đã ký bán trước cho các đại lý với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg nhưng sau đó vài tuần giá cà phê tăng mạnh, vượt mốc 60.000 đồng/kg, nhiều hộ “bể kèo” không giao đủ hàng như đã ký khiến các đại lý thiếu cà phê để giao cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ở phía doanh nghiệp xuất khẩu cũng thiếu hàng để giao cho đối tác.

“Khi các đối tác nước ngoài không có hàng, họ buộc phải tìm đến sàn London. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê robusta giao sau trên sàn London tăng mạnh 300 - 400 USD/tấn trong một tuần qua, phá vỡ mức kỷ lục cũ mới thiết lập hồi tháng 7, lên hơn 2.800 USD/tấn”, vị này cho biết.

Theo ông Nam, trong bối cảnh sản lượng cà phê toàn cầu đang có xu hướng giảm, ngay từ đầu niên vụ 2023/2024, ngành cà phê toàn cầu phải có kế hoạch hành động triển khai thích ứng với quy định chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), cơ chế điều chỉnh biên giới các bon và chứng chỉ các bon của châu Âu. Triển khai từng bước các chương trình này là thể hiện trách nhiệm của ngành cà phê toàn cầu đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại rau mọc dại đầy ruộng, dân cắt đem bán kiếm bộn tiền

“Tôi chủ yếu bán cho khách quen, vào đúng vụ thì mỗi ngày có hơn tạ để bán. Tính riêng năm ngoái, tôi cũng phải bán hơn tạ rau này”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Phong ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN