Giá cà phê lại lập đỉnh

Người trồng cà phê có một vụ mùa thắng lợi khi giá cao ngay thời điểm thu hoạch và tiếp tục tăng sau đó. Ngành cà phê dự báo tiếp tục có 1 năm hưởng lợi về giá

Ông Lê Huy Quang - ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng - cho biết nhà ông trồng 1 ha cà phê Robusta, thu hoạch tháng 11-2023 với hơn 3 tấn, giá 60.000 đồng/kg. Gần đây, thương lái tăng giá thu mua lên đến 70.000 đồng/kg.

Lãi cao chưa từng thấy

Theo ông Quang, với giá cà phê 70.000 đồng/kg, nhà vườn lãi 130 - 140 triệu đồng/ha - mức lãi cao chưa từng thấy. Do đó, làn sóng xen canh các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ, chanh leo… trong vườn cà phê cũng giảm. Nhiều nông dân tiếp tục mở rộng vườn trồng cà phê bởi kỳ vọng thắng tiếp ở những năm sau.

"Với giá từ 60.000 đồng/kg, nông dân sẽ ưu tiên chăm sóc cà phê bởi tính ổn định, ít rủi ro so với nhiều loại cây ăn trái" - ông Quang nhận định.

Tại tỉnh Kon Tum, bà Lê Thị Hạnh cho biết vừa bán 12 tấn cà phê với giá 73.000 đồng/kg. Mức giá này bà "không thể tin" trong mấy chục năm trồng cà phê. Vụ trước, bà Hạnh thu hoạch được 15 tấn cà phê nhưng chỉ bán với giá 45.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng sụt giảm nhưng giá cao bù lại nên tính ra, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha. Lợi nhuận còn thấp là do gia đình bà không có người làm, phải thuê người ngoài...

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về giá trị so với năm 2022 (đạt 1,62 triệu tấn, trị giá 4,24 tỉ USD). Tính riêng tháng 12-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 207.610 tấn, trị giá gần 599,42 triệu USD - so với tháng 12-2022 tăng 5,4% về lượng và tăng 40,8% về trị giá, cho thấy giá cà phê đã thiết lập mặt bằng mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo sản lượng cà phê trong niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm 10%, xuống 1,656 triệu tấn - vụ mùa thấp nhất trong 4 năm, do thời tiết không thuận lợi. Dù vụ mùa đang thu hoạch rộ nhưng sức cung ứng không mạnh như những năm trước. Người dân đang có xu hướng hạn chế bán để chờ giá lên, đẩy giá cà phê nội địa tăng liên tục.

"Năm 2024, ngành cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ tăng, có thể lập đỉnh do lo thiếu hụt nguồn cung" - Cục Xuất nhập khẩu nhận xét.

Đồ họa: LAN CHI

Đồ họa: LAN CHI

Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên. Ảnh: AN NA

Thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên. Ảnh: AN NA

Vừa mừng vừa lo

Trong khi người trồng vui mừng vì giá cà phê tăng cao thì nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến lại đau đầu vì giá nguyên liệu tăng liên tục.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (thương hiệu cà phê Meet More), cho biết có những đợt hàng, DN phải mua nguyên liệu với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê thành phẩm DN đã chốt từ trước.

"Hiện tại, sức mua trên thị trường còn yếu nên DN không thể tăng giá tương ứng theo giá thành. Thị trường xuất khẩu cũng chậm, cước tàu tăng cao nên đơn hàng ít. Mọi năm, thời điểm này DN đã có 5-6 đơn hàng xuất khẩu cho năm mới nhưng năm nay vẫn chưa có đơn hàng nào" - ông Luận dẫn chứng.

Theo ông Luận, giá cà phê tăng cao là điều đáng mừng với người trồng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững. Bởi lẽ, khi giá cà phê tăng mạnh, các vùng liên kết dễ bị phá vỡ do bên ngoài cạnh tranh thu mua, các đầu mối ưu tiên bán cà phê thô hơn là đầu tư cho chế biến.

"Brazil là nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới nhưng năm rồi mất mùa nên nhà mua cà phê đổ xô sang Việt Nam, đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, thông tin gần đây cho biết Brazil đã cải tiến giống cà phê tốt hơn, vài năm nữa sẽ có thu hoạch. Lúc đó, cà phê Việt lại lo đầu ra" - ông Luận băn khoăn.

Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình cho rằng nhiều người thường nói giá cà phê tăng cao là do mất mùa, hụt sản lượng. Tuy nhiên, hiện tại, Việt Nam mới thu hoạch xong nên rất khó nói lý do thiếu hàng.

"Nhiều người kỳ vọng giá tiếp tục tăng, hạn chế bán ra khiến người có nhu cầu phải mua giá cao. Ngoài ra, do ảnh hưởng xung đột tại Biển Đỏ, cước tàu và thời gian vận chuyển tăng đã khiến cà phê dự trữ để sản xuất tại châu Âu và Mỹ cạn dần, đẩy giá cà phê lên cao tại thời điểm này" - ông Bình phân tích.

Ông Bình nhìn nhận giá cà phê nội địa ở mức 73.000 đồng/kg có thể đã đạt đỉnh. Bởi lẽ, giá cà phê nội địa tăng nóng, có tình trạng cà phê sang tay ở thị trường rồi đẩy giá lên cao chứ DN chưa xuất khẩu được giá cao.

"Khi giá cà phê Robusta quá cao, Brazil có thể sẽ đẩy lượng hàng để dành tiêu dùng nội địa sang xuất khẩu, còn trong nước thì chế biến hàng Arabica cấp thấp. Khi đó, giá cà phê thế giới sẽ mất đà tăng" - ông Bình nhận định. 

Giá xuất khẩu tăng

Cục Xuất nhập khẩu cho biết tính chung cả năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.

Theo ghi nhận ngày 18-1-2024, giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn giao hàng tháng 1 là 3.150 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3 là 2.964 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 5 là 2.845 USD/tấn và kỳ hạn giao hàng tháng 7 là 2.770 USD/tấn. Sở dĩ các kỳ hạn giao hàng xa có giá thấp bởi từ tháng 4-2024, Brazil bước vào vụ thu hoạch, nguồn cung cà phê thế giới sẽ cải thiện.

Dù giá thấp hơn so với năm ngoái, nhà vườn cho biết lượng khách đặt mua giảm gần 1 nửa so với năm ngoái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VƯƠNG NGỌC ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN