Giá cả đang có lợi cho người dân

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2.2015 không tăng, dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, thậm chí còn giảm 0,05% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên chỉ số giá cả giảm trong tháng Tết. Phóng viên NTNN đã ghi lại ý kiến của các chuyên gia về sự“trái chiều” này…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:

Giá cả giảm trong tháng Tết là điều không bình thường nếu theo quy luật vận động từ trước tới nay. Song nếu nhìn vào các yếu tố tác động tới giá cả thì sẽ thấy giá cả đã đi đúng đường mấy tháng gần đây. Giá xăng dầu, vận tải giảm nhanh nhất trong tháng 2 đã giúp cho CPI giảm mạnh.

Về sản xuất của nền kinh tế cũng thấy rõ hàng hóa rất dồi dào. Hàng hóa phục vụ Tết sản xuất ra tăng lên khá mạnh, trong khi sức mua không tăng đột biến đã giúp cho giá cả ổn định ở mức thấp. Xu hướng nữa của Tết năm nay cũng thấy rõ là hàng hóa nhập khẩu cũng giảm, ví dụ như khu vực châu Âu giảm phát nên hàng hóa nhập về Việt Nam cũng giảm, tác động đến giá cả hàng hóa giảm. Tuy nhiên, với mức giảm 0,05% thì CPI tháng Tết cũng chỉ giảm   giảm bình thường, chứ  không có  đột  biến.

Nhiều chuyên gia lo ngại đến dấu hiệu giảm phát, nhưng tôi lại cho rằng, còn quá sớm để nhận định, bởi giảm phát phải xem tổng thể giá cả trong cả một giai đoạn dài. Lạm phát của ta đang được kiểm soát tốt nếu đứng ở góc độ quản lý sẽ thấy có một phần lớn là do Chính phủ đưa ra không ít các giải pháp bình ổn và hành chính, chứ chưa thực sự vì năng suất hiệu quả tự thân của nền kinh tế. Do vậy, nếu như giá điện và xăng dầu sắp tới không được bình ổn nữa mà tăng lên thì giá cả có thể lại lên theo hết cả…

Giá cả đang có lợi cho người dân - 1

Hàng hóa phục vụ Tết sản xuất ra tăng lên khá mạnh, trong khi sức mua không tăng đột biến đã giúp cho giá cả ổn định ở mức thấp.

Chuyên gia kinh tế-tài chính Phạm Minh Thụy:

Giá cả tháng Tết giảm dù ít song cũng là quá tốt với cuộc sống của người dân chứ. Điều này cho thấy, đời sống của người dân được ổn định bởi giá cả không tăng. Ai cũng nhận thấy biến động giá cả trong tháng Tết là không đáng kể. Các bà  nội trợ đi chợ mà thấy giá cả không tăng là quá tốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sức mua của ta Tết vừa qua thấp nên giá cả không tăng nhưng tôi cho rằng, sức mua của ta không hề thấp. Ngay từ cuối năm ngoái đã cho thấy dấu hiệu tốt lên của sản xuất khiến cho cung hàng hóa ngày một tăng lên. Cung lớn mà cầu ổn định sẽ làm cho giá cả không thể tăng đột biến. Tôi theo dõi nhiều năm gần đây, dù kinh tế có khó khăn song sức mua của người dân dịp Tết chưa bao giờ thấp, vẫn tăng từ 10-15%. Người dân đang ngày càng có sự lựa chọn nhiều hàng hóa nhiều hơn, đây là dấu hiệu tốt cho giá cả vận động phù hợp. Còn nếu nói về dấu hiệu giảm phát, theo tôi lại càng xa bởi kinh tế Việt Nam chưa đến mức giảm phát. Có nghĩa kinh tế của ta vẫn tăng trưởng, giá cả thì không tăng đột biến. Do vậy, sự vận động của giá cả này tôi cho cần phải được phát huy vì nó có lợi cho người dân, cho nền kinh tế.  

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

CPI tháng 2 giảm 0,05% đúng là trái quy luật và nếu tính CPI giảm từ cả hai tháng cuối năm ngoái thì CPI đã vận động trái chiều 4 tháng nay rồi. Lý do theo tôi là do giá xăng dầu liên tục giảm tác động giảm giá giao thông vận tải, giá dịch vụ này giảm tới 4,4% trong tháng 2 khiến CPI giảm. Ngay lương thực, thực phẩm là những hàng hóa biến động mạnh dịp Tết cũng tăng không cao lắm…

Điểm tích cực của CPI tháng Tết giảm là người tiêu dùng được lợi, kiểm soát lạm phát thuận lợi hơn. Nhưng nếu nhìn sâu xa chúng ta vẫn phải thừa nhận là sức mua của người dân, sản xuất của nền kinh tế còn chưa thực sự mạnh nên giá cả không thể tăng đột biến. Giáp Tết (khoảng 28, 29, 30 Tết) giá cả tăng rất cao nhưng do chu kỳ tính giá nên CPI tháng 2 cũng chưa tính được các biến động này vào. Tín dụng lại không tăng cao vào đầu năm nên cũng ảnh hưởng tới xu thế giảm của giá cả.

Dù có không ít nhận định lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế song tôi vẫn đánh giá là chúng ta còn nhiều khó khăn từ sản xuất tới thu nhập của người dân. Giá giảm do sức mua hạn chế, người dân thắt chặt chi tiêu. Chúng ta phải kiểm soát lạm phát như thế nào để giúp cho sản xuất có thể tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, người dân giảm bớt gánh nặng chi tiêu như vậy mới là đạt mục tiêu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng:

Giá xăng dầu giảm mạnh là nguyên nhân cơ bản nhất khiến CPI tháng 2.2015 diễn biến không như thông lệ là thường tăng cao vào dịp Tết. Về mặt tốt, việc CPI hai tháng đầu năm, là hai tháng có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán kéo dài, giảm so với tháng trước khiến lạm phát cho tới thời điểm này vẫn đang giảm 0,25% so với năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy lạm phát năm nay sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Mức giảm của CPI tháng Tết có một phần do công tác chuẩn bị hàng hóa Tết khá sớm tại các thành phố lớn nhằm không gây đột biến giá, khan hàng cục bộ.

Tuy nhiên, nếu nhìn một cách khách quan thì cũng thấy lạm phát xuống thấp, CPI không tăng là vì dân không có nhiều tiền để chi tiêu. Từ nhiều năm trở lại đây, khi nền kinh tế khó khăn thì CPI giảm cũng là lúc người dân không dám tiêu nhiều tiền nên không được hưởng lợi nhiều từ việc giảm giá. Nền kinh tế vẫn còn khó khăn, sản xuất hàng hóa không có đầu ra, tồn kho vẫn lớn, doanh nghiệp vẫn khó khăn, phá sản... Chúng ta kiềm chế lạm phát phải làm sao để cho sản xuất, tiêu dùng phục hồi lúc đó giá giảm mới đem lại lợi ích thực sự.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN