Giá 5 triệu đồng/tổ yến: Đưa chim yến vào luật vì quản lý lộn xộn
Xuất hiện lẻ tẻ từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam Bộ, đến nay, nghề nuôi chim yến đã phát triển mạnh ở một số địa phương và ngày càng có dấu hiệu mở rộng nhờ hiệu quả kinh tế cao. Nhưng những bất cập trong vấn đề quy hoạch, quản lý vùng nuôi cho thấy, quy định về nghề nuôi chim yến cần sớm được ban hành.
Tiềm năng lớn
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi chim yến đã phát triển khá mạnh với nhiều loại hình và quy mô khác nhau. Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Nhiều nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung.
Một số nhà yến cũng đã xuất hiện tại Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa với điều kiện tự nhiên thuận lợi, là tỉnh có ngành nghề yến sào phát triển từ lâu đời.
Nghề nuôi chim yến đang phát triển ở nhiều địa phương (ảnh chụp tại Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: T.L
Những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Công ty Yến Quân... đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn. Hiệp hội yến sào và chi hội nhà yến đã được hình thành và phát triển về tổ chức vũng như số lượng thành viên.
Dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 100-125 triệu USD/năm. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận một thực tế, thời gian qua, nghề nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu. Nuôi chim yến chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị xuất khẩu cao vì chủ yếu xuất thô.
“Do không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của loại chim yến nên dẫn đến tình trạng xây nhà xong nhưng chim yến không về làm tổ, hoặc ở những vùng có khí hậu mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm chim yến chết. Mặc dù nuôi chim yến đã phát triển trở thành một nghề kinh tế có mức tăng trưởng cao ở nhiều địa phương nhưng đối tượng nuôi này chưa được điều chỉnh trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa được đảm bảo, chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính. Việc quản lý, kiểm soát số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm còn chưa chặt chẽ, hiện mới được thực hiện trên một số cơ sở đăng ký, khai báo cơ sở/nhà nuôi chim yến và ước đạt sản lượng tổ yến thu được“ - ông Trọng nêu thực tế.
Đó là chưa kể, việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá, kiểm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập. Vấn đề dịch bệnh chưa được nghiên cứu, kiểm soát nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn sinh học, dịch bệnh cho động vật và sức khỏe con người.
Sớm ban hành quy định quản lý chim yến
Từ thực tế trên, Cục Chăn nuôi đề nghị UBND các tỉnh báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn, cần tiến hành giám sát chặt các hộ dân xây dựng nhà ở, phải làm theo đúng thiết kế, mục đích sử dụng và khi xây dựng phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật về xây dựng và môi trường. Giám sát chặt những trường hợp nhà dân đăng ký xây dựng với mục đích làm nhà ở, sau đó chuyển sang nuôi chim yến sai với thiết kế và mục đích sử dụng đã đăng ký ban đầu.
Ông Trọng cho biết, thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chăn nuôi, trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý nuôi chim yến.
Theo đó, chủ cơ sở nuôi chim yến thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp tại cấp có thẩm quyền, quy định vị trí xây dựng mới nhà yến: Phù hợp đặc điểm sinh trưởng, phát triển của chim yến và phù hợp với chiến lước phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy định về cường độ âm thanh và khoảng thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến; quy định về vệ sinh và quản lý dịch bệnh của cơ sở nuôi chim yến về trang phục bảo hộ cho người làm việc và khách thăm quan, về vệ sinh trước và sau khi ra khỏi cơ sở nuôi chim yến, cách khử trùng, chất khử trùng. Công khai quy hoạch vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh, thành phố gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
“Để nâng cao giá trị của nghề nuôi chim yến, hạn chế xuất khẩu thô như hiện nay, cần phát triển thị trường gắn với đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến” - ông Trọng nói.
Thương lái Trung Quốc đến tận nhà yến Việt Nam mua yến sào thô giá 1.000 USD/kg (hơn 23 triệu đồng) mang về nước bán với...