Gas giả: Cuộc chiến luẩn quẩn
Cơ quan chức năng xử lý trạm này thì trạm khác mọc lên. Cuộc chiến với gas giả, gas lậu như vòng luẩn quẩn khi chính các doanh nghiệp tiếp tay cho các đối tượng làm giả…
Cùng với hàng gian, hàng giả, gas giả, gas lậu trở thành vấn nạn, là mối đe dọa an toàn đối với người tiêu dùng (NTD) cũng như thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN). Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Gas Việt Nam, khoảng 30%-40% gas trên thị trường hiện nay là giả. Đây là mối họa khôn lường khi mỗi nhà đều chứa quả bom nổ chậm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận quá cao, các trạm sang chiết nạp lậu cứ mọc lên như nấm.
Chỉ biết tin vào đại lý lâu năm
“Từ đầu năm đến nay bắt không nhiều nhưng tình trạng gian lận trong lĩnh vực gas có dấu hiệu tăng lên chứ không giảm vì lợi nhuận ngành này quá lớn” - ông Nguyễn Bảo Trung, Phó phòng Kinh doanh gas Công ty Saigon Petro, đồng thời là Phó Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, nhận định. Ông kể vừa rồi ông đi theo dõi tại Bình Dương, các trạm chiết này có hàng rào bao bọc xung quanh, cả khu vực nơi có trạm sang chiết được “mua” hết, từ xe ôm đến người bán tạp hóa, khi thấy có xe lạ đến là gọi điện thoại lập tức cho bên trong.
Theo ông Trung, các trạm sang chiết không còn làm theo kiểu chứa nhiều vỏ bình gas của các thương hiệu đã nạp sẵn rồi chờ xe vào thì đổi vỏ bình như trước đây. Hiện nay họ thay đổi phương thức bằng cách từng xe một vào trạm, chiết xong rồi đi ra. Tại khu vực sang chiết không để niêm màng co, niêm tem giả như trước đây nữa. Nạp gas xong chúng đưa đến một địa điểm khác, thậm chí đến cửa hàng mới chụp màng co vào. Chiêu này tránh bị cơ quan chức năng bắt, nếu bắt được cũng khó xử lý vì quy mô sang chiết lậu ít, không thể khép vào hành vi sản xuất hàng giả.
Cũng theo ông Trung, thị trường tiêu thụ tại TP.HCM là lớn nhất, rộng lớn nên khó kiểm tra. Các trạm sang chiết nạp lậu chủ yếu nằm ở Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… sau đó đưa hàng vào TP tiêu thụ. Qua theo dõi, có trạm xe ra vào một ngày khoảng hai lượt, mỗi xe bồn 15 tấn, tương đương khoảng 30 tấn, một tháng trung bình 900 tấn gas. Tùy vào thị trường, khi giá gas giảm, đối tượng sang chiết nạp lậu bán ra giá rẻ, thậm chí để đẩy hàng ra thị trường bên ngoài, bán giá rẻ 30%-40% so với gas chính hiệu nên lợi nhuận là rất lớn.
Trong khi đó ngay ở các cửa hàng có sự trà trộn giữa gas chính hãng với gas chiết nạp trái phép. Khi lực lượng chức năng kiểm tra đại lý, kiểm tra đều là hàng thật. Nhưng khi NTD gọi gas thì họ chở bình gas lậu đem đi giao nên khó bắt được. Các trạm chiết nạp vẫn không giảm, cơ quan chức năng bắt trạm này xong vài tháng sau mọc lên trạm mới. Phía Nam khoảng vài chục trạm.
Một số người dùng cho biết trước tình trạng cháy nổ do gas, dù ở nhà đang dùng thương hiệu lớn nhưng vẫn thấy lo lắng. Vì có lúc thấy vỏ bình gas cũ kỹ, sau đó họ sơn lại nên không biết an toàn không. Dù đã được các công ty tư vấn mua thiết bị phát hiện rò rỉ gas nhưng bây giờ chỉ biết tin vào đại lý uy tín lâu năm chứ không biết đường nào mà lần.
Một DN không muốn nêu tên cho biết các trạm sang chiết lậu tồn tại do cơ quan chức năng không làm quyết liệt. Bởi hiện tại các DN tự thu thập bằng chứng đưa cho họ hoặc nhờ báo chí, cơ quan chức năng mới vào cuộc. Nhiều trạm bắt xong nhưng chỉ xử lý hành chính nên không đủ tính răn đe.
Hàng trăm bình gas sang chiết trái phép bị cơ quan chức năng thu giữ.
Khó bắt quả tang
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Dương, thủ đoạn của các đối tượng sang chiết nạp gas lậu là thường làm ngoài giờ, sang chiết lúc đêm hôm, nơi hẻo lánh. Kết hợp việc sang chiết gas giả mạo, gas thương hiệu tại các trạm sang chiết hợp pháp… nên QLTT rất khó phát hiện, phải có quá trình theo dõi và không phải lúc nào cũng bắt quả tang được.
Ông Danh kể: Có những vụ QLTT Bình Dương phải làm từ 3-4 giờ chiều đến 7 giờ tối mới vào được bên trong trạm chiết vì đối tượng chống đối. Hoặc khi kiểm tra một trạm chiết, phía trước có một cửa hàng kinh doanh gas, khi kiểm tra họ sẽ tuồn hàng ra cửa hàng đó. Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng ràng buộc nhiều, ví dụ phải căn cứ quyết định mới kiểm tra, đơn vị đó có dấu hiệu gì mới kiểm tra. Theo trình tự tố cáo hoặc theo Luật Sở hữu công nghiệp, khi có công ty gửi đơn đề nghị kiểm tra sản phẩm họ bị làm giả thì cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được một thương hiệu đó. Tuy nhiên, không phải trạm nào cũng sang chiết cho một thương hiệu nên khó khăn.
Ông Danh cho biết bất cập của Nghị định 107 về kinh doanh gas khiến tình trạng độc quyền lợi ích nhóm làm thị trường gas rối loạn. Đó là việc không cho thu hộ vỏ bình gas. Ví du,̣ NTD đang dùng bình thương hiệu A, theo quy định NTD đặt cọc 50% giá trị vỏ bình nhưng thực tế đại lý bắt NTD trả luôn 100% vỏ bình gas 500.000 đồng/vỏ. Khi NTD muốn xài thương hiệu B phải đem vỏ bình gas đi trả lại cho đại lý để lấy lại tiền cọc, như vậy bất tiện cho NTD. Vậy sao không cho phép thương hiệu mới thu hộ với điều kiện ràng buộc như có văn bản ký thu hô? Chứ nếu không thị trường sẽ “đóng băng” dẫn đến tình trạng độc quyền. Ví du,̣ nếu DN A tung ra sản lượng một triệu vỏ bình gas, có nghĩa bình gas đó có mặt ở một triệu hộ gia đình, nằm yên ở đó, không một thương hiệu nào được nhảy vào.
Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng chính việc vỏ bình gas bị chiếm dụng, bị mất là một trong những nguyên nhân giúp cho gas giả hoành hành. Bởi họ mua vỏ bình về, bơm gas không kiểm tra chất lượng, vỏ bình gas không biết có an toàn không khi lưu thông ra thị trường.
“Hệ thống lưu trữ của DN ở đâu? Các DN không quản lý được vỏ bình theo số sêri, không quản lý tận gốc do sợ tốn chi phí, sợ mất khách hàng? Không có biện pháp chế tài hợp đồng để hạn chế tình trạng bị mất vỏ bình mà chỉ trông chờ cơ quan chức năng trả lại. Chính những lợi ích cục bộ khiến thị trường rối loạn chứ không phải hoàn toàn do gas giả” - ông Danh đặt vấn đề.
Dự thảo thay thế Nghị định 107/2009/CP về kinh doanh gas sẽ hoàn thiện trong quý I có sự thay đổi rất quan trọng: Các trạm chiết phải trực thuộc các thương nhân phân phối đầu mối. Theo đó, khi xin giấy phép đủ điều kiện chiết nạp, cơ quan quản lý sẽ cấp cho thương nhân phân phối đầu mối chứ không cấp cho trạm nào cả. Chỉ được chiết nạp cho thương nhân đầu mối, có quy mô, thương hiệu nhất định… Điều này làm giảm những trạm chiết tư nhân có hành vi sang chiết nạp lậu.
Cách kiểm tra, nhận biết gas giả Không thể phân biệt gas giả, nhìn bên ngoài và dùng cũng không biết được. Khi màu lửa xanh hay đỏ chủ yếu do chất lượng cao hoặc thấp chứ không kết luận đó là giả. NTD nên kiểm tra một số điều khi mua một bình gas: - Gọi điện thoại yêu cầu gas chính hãng mà mình yêu thích (đừng nói theo màu bình gas). Kiểm tra xem bình gas đó có đúng thương hiệu yêu cầu không vì có logo trên vỏ bình, trên mõm đầu bình có dập nổi tên công ty. - Kiểm tra ngày tháng năm sản xuất vỏ bình còn hạn kiểm định không. Nếu hết hạn kiểm định là hàng giả. - Đừng để người giao gas bóc niêm tem gas ra ngay, xem sơ qua niêm màng co có in sắc sảo không. Nếu không sắc sảo, bị nhòe là giả. - Yêu cầu người giao gas cân, hầu như cửa hàng nào cũng có cân tay, trên quai xách đều có in số ký, ví dụ trên bình in 13,5 kg - đây là trọng lượng vỏ bình gas chưa có nước, khi có gas thì nguyên bình gas 25,5 kg. Cẩn thận hơn là cân xem bình gas cũ trọng lượng có 13,5 kg nếu trọng lượng 15-16 kg, có thể còn gas bên trong nhưng cháy không hết hoặc nguyên do có nước bên trong. - Đồng thời kiểm tra van đầu bình, van điều áp, những điểm nối có bị xi hay không. |
11.768 bình gas giả bị tịch thu trong năm 2015 Cục QLTT nhận xét tình hình sản xuất hàng giả của các mặt hàng tiêu dùng như bình gas còn phổ biến. Trong năm 2015 phát hiện 256 vụ vi phạm, tạm giữ 11.768 bình gas 12 kg, 20.400 bình gas mini, 14 dụng cụ sang chiết và 8,5 kg tem nhãn, màng co chụp niêm phong. Tổng số tiền xử phạt hành chính là hơn 2,1 tỉ đồng. Đại diện Chi cục QLTT An Giang cho biết địa phương đã bắt 308 bình gas mini có xuất xứ Hàn Quốc, 630 bình gas mini, hai cân đồng hồ… Đa phần gas ở địa phương là do các cửa hàng đại lý nhập từ TP.HCM và các tỉnh lân cận về bán. Các đối tượng khai sang chiết ở nơi khác rồi đem về địa phương tiêu thụ… Đa phần là đại lý trà trộn bình gas sang chiết trái phép với gas chính hiệu để qua mặt cơ quan chức năng. |
Ông TRẦN HÙNG, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Dịp tết diễn biến càng phức tạp Dịp tết là cơ hội hàng gian, hàng giả tung hoành, trong đó gas giả cũng diễn biến phức tạp. Việc sang chiết trái phép, bình gas bị cắt quai, mài vỏ gây mất an toàn cho người dùng không hề suy giảm… Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NTD, đảm bảo cho người dân đón tết an toàn, cũng như ngăn tình trạng sang chiết trái phép, kinh doanh gas lậu… mới đây Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Hiệp hội Gas Việt Nam thống nhất ban hành chương trình phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm quy định nhà nước về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực khí dầu mỏ hóa lỏng… Sự phối hợp này nhằm mang hiệu quả hơn trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gas, bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN và NTD. Ông NGUYỄN BẢO TRUNG, Phó Chủ tịch Chi hội Gas miền Nam: Người trực tiếp đi bắt gas giả mà nhìn cũng không biết Vỏ bình gas của các thương hiệu bị chiếm dụng, được sang chiết nước gas khác vào bên trong, sau đó chụp niêm tem, màng co giả lên nên NTD rất khó phân biệt. Ngay cả chính tôi, người trực tiếp đi bắt gas giả mà nhìn cũng không biết. Thông thường NTD không có thói quen kiểm tra hoặc thay thế các thiết bị như van điều áp, dây nối… Van dây bị chuột cắn hay bị xì lỗ mọt trên dây không để ý, khi cháy NTD không biết để xử lý. Thông thường mỗi lần thay gas, NTD nên kiểm tra các phụ kiện có bị rò rỉ không, dùng xà phòng bôi lên để kiểm tra van dây và nên thay định kỳ. Ông TRẦN MINH LOAN, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam: Sang chiết gas giả từ bồn ra bình Cuối năm gas giả, gas thiếu ký được tung ra thị trường nhiều. Thêm nữa, tình trạng sang chiết lậu ngày càng phức tạp, bởi có những trạm sang chiết khi bị cơ quan chức năng phát hiện bị tháo dỡ trạm, dỡ bồn đi rồi. Sau đó đối tượng vi phạm trở lại với các phương tiện thô sơ, tiếp tục sang chiết, khi liều lĩnh chiết thẳng gas từ xe bồn ra bình gas. Hiện nay NTD khó phân biệt gas giả cả về sản phẩm lẫn dịch vụ. Cuối tháng 12, QLTT TP.HCM phát hiện hai vụ giả mạo thương hiệu gas BM khi đối tượng thuê phòng trọ, lập cửa hàng bán gas các loại, chứa các tem, niêm màng co giả của BM, thậm chí bắt chước dịch vụ phục vụ của BM nhưng chất lượng không bằng… Để ra thị trường, gas giả phải thông qua hệ thống phân phối bán hàng. Cũng như có ý kiến cho rằng chỉ cần DN đầu nguồn không được “tuồn” bán cho các trạm sang chiết lậu là triệt tiêu xong gas giả. Điều này vô cùng khó khăn vì có những hạn chế nhất định. Để giải quyết căn cơ, đây không là yếu tố quyết định mà đòi hỏi các DN xây dựng hệ thống bán hàng riêng của mình để NTD chọn được sản phẩm thật, dịch vụ thật. |