Gạo Việt đang tự làm mất thị trường

Phải “cởi trói” ngay cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì tình hình mới có thể khá lên được.

“Nếu không đổi mới cách điều hành xuất khẩu gạo và chủ động tham gia liên minh lúa gạo trong ASEAN, sức cạnh tranh của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ giảm mạnh và tự đánh mất dần thị trường” - GS Võ Tòng Xuân nhận định.

Đứng ngoài chỉ có thiệt!

Vào đầu tháng 9-2012, các tập đoàn kinh doanh nông nghiệp chủ chốt của Philippines, Myanmar và Thái Lan đã thành lập một hiệp hội để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Philippines đóng góp công nghệ và giống lúa, Myanmar cung cấp đất sản xuất, còn Thái Lan đảm trách tiếp thị toàn cầu.

“Việt Nam đang đứng ngoài liên minh này trong khi điều đầu tiên các nhà nhập khẩu thường làm là đánh giá uy tín nhà xuất khẩu. Họ thường chọn hợp tác với tập thể hơn là nhà xuất khẩu đứng một mình” - GS Xuân phân tích.

Hơn nữa, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia lúa gạo của Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AgroMonitor), cho rằng nếu hiệp hội này hoạt động hiệu quả thì sẽ giống như liên minh OPEC của các nước xuất khẩu dầu mỏ, hướng tới chi phối thị trường xăng dầu thế giới.

Còn theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chuyện bị đứng ngoài rìa là do cách “chơi” của ngành gạo. “Chúng ta đang bị các nước trong khu vực đánh giá thấp về cách điều hành, quản lý xuất khẩu gạo. Cụ thể là cách quản lý xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Indonesia. Trong khi nước họ đã chuyển từ ký hợp đồng tập trung thông qua đàm phán giữa hai chính phủ sang cho tư nhân đấu thầu thì Việt Nam cứ khư khư giữ cách cũ. DN vẫn chưa được phép tự ký hợp đồng thương mại. Đây là tự mình trói mình, “chơi không đẹp” với chính DN trong nước thì làm sao đòi các nước “chơi đẹp” với mình được?” - ông Nhị nhấn mạnh.

Gạo Việt đang tự làm mất thị trường - 1

Nếu không đổi mới cách điều hành, ngành xuất khẩu gạo sẽ giảm mạnh trên thương trường quốc tế.

Trước nay Philippines, Indonesia và Malaysia luôn nhập từ Việt Nam một lượng gạo lớn ổn định (chiếm 2/3 tổng lượng gạo xuất khẩu). Thế nhưng hiện nay các thị trường truyền thống đang muốn giảm nhập gạo Việt Nam. Năm 2012, Philippines chỉ nhập 500.000 tấn mà đến nay chưa thực hiện đủ con số này. Indonesia ký tiếp bản ghi nhớ mua 1,2 triệu tấn trong năm 2012 song từ đầu năm đến nay chưa hề nhập về. Còn Malaysia, sau khi ký hợp đồng nhập 300.000 tấn từ đầu năm, đến nay vẫn “dẫm chân tại chỗ” chưa có chuyển biến gì.

Trong khi đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam vẫn chỉ đạo các DN cứ chờ đợi thông tin từ các thị trường.

“Ngành gạo quá bảo thủ, không linh động trong điều hành xuất khẩu gạo nên sản lượng xuất sang thị trường truyền thống giảm dần” - ông Nguyễn Minh Nhị nói.

Đáng lưu ý là Ấn Độ, Pakistan đang và sẽ là thế lực cạnh tranh lớn với Việt Nam về xuất khẩu gạo giá rẻ. Họ sẽ chuyển đổi sản xuất gạo cao cấp (basmati, gạo đồ) trong năm tới. Campuchia, Myanmar thì lên kế hoạch phát triển vùng trồng lúa để xuất khẩu mạnh vào năm 2013.

Như vậy, không chỉ có thị trường truyền thống mà ngay cả các thị trường lớn như châu Phi, châu Âu, Trung Quốc… gạo Việt Nam có khả năng bị thu hẹp rất lớn.

Đừng “nói mà không làm liền”

“Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra sáng kiến thành lập liên minh lúa gạo với các nước trong khu vực, cụ thể là với Myanmar. Tuy nhiên, nói mà không chịu làm liền thì người khác làm là chuyện đương nhiên” - GS-TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, nhận định.

Để hạn chế việc “nói mà không chịu làm liền”, GS Xuân cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng tham gia hiệp hội với Thái Lan, Philippines và Myanmar, từ đó mở rộng liên kết lúa gạo ra ASEAN. Việc này sẽ giúp Việt Nam nâng cao công nghệ sản xuất chế biến xuất khẩu gạo như Thái Lan, phát triển giống tốt từ Philippines.

“Nếu liên kết tập trung phát triển gạo chất lượng cao, có thương hiệu, không chỉ nâng được giá xuất khẩu mà còn nâng cả giá bán cho nông dân, giữ được thị trường truyền thống, tăng sức cạnh tranh với các nước xuất khẩu như Ấn Độ, Pakistan. Mặt khác, liên minh sẽ tạo nên thương hiệu chung, giúp các nước ASEAN dễ dàng phân chia thị trường xuất khẩu, tránh sự chồng chéo và va chạm không cần thiết” - ông cho biết.

Cũng theo GS Xuân, một yếu tố quan trọng khác là “cởi trói” ngay thị trường truyền thống, phải để DN tham gia ký hợp đồng thương mại thì tình hình mới khá lên, mối quan hệ xuất - nhập gạo mới tồn tại lâu dài.

Đó cũng là nguyện vọng chính đáng lâu nay của các DN. “Chúng tôi nhận được nhiều lời chào mời từ các nhà nhập khẩu tư nhân Philippines nhưng chưa được phép nên đành chịu” - ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), bày tỏ.

Còn ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), thì kể: “Nói thật, với cách các nước mở cửa cho tư nhân tự đấu thầu nhập khẩu gạo thì Chính phủ cũng cần xem xét lại cho DN nước mình. Nhu cầu ở các thị trường rất nhiều vì DN thường xuyên nhận được lời mời ký hợp đồng riêng từ các nhà nhập khẩu tư nhân”.

Gạo giảm 7,9% giá trị xuất khẩu

Tính đến hết tháng 9-2012, hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký đạt 7,2 triệu tấn nhưng giảm 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân là giá giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu bình quân chín tháng đầu năm đạt 443,3 USD/tấn, thấp hơn 35,7 USD/tấn so với giá bình quân cùng kỳ năm 2011. Riêng tháng 9, giá gạo xuất khẩu chỉ đạt 440 USD/tấn, giảm hơn 80 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2011.

Dự báo xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt khoảng 7,5 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay nhưng giá trị khó đạt được 3,5 tỉ USD như năm 2011.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN