Gạo Việt có hợp đồng 'khủng' 1 triệu tấn/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Bangladesh mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Theo Bộ Công Thương, được sự ủy quyền của hai Chính phủ, mới đây Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam thay mặt Chính phủ Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai nước.

MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 05 năm kể từ ngày ký, từ năm 2017 đến năm 2022. Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn; hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng.

Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh mong muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000 – 300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía Bangladesh chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang nước này trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng... Đồng thời, phía nước bạn cũng cho biết mong muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Gạo Việt có hợp đồng 'khủng' 1 triệu tấn/năm - 1

Hợp đồng cấp Chính phủ xuất khẩu 1 triệu tấn gạo/năm sang Bangladesh sẽ tháo gỡ khó khăn đầu ra cho ngành gạo Việt Nam. (Ảnh: QH)

Trước đó, năm 2011, 2012, phía Việt Nam đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn gạo sang Bangladesh. Trong những năm tiếp theo, Bangladesh đã tự túc và sản lượng lúa gạo đã đủ cung cấp cho tiêu thụ nội địa nên chưa đặt thêm vấn đề mua gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, Bangladesh liên tục phải đối mặt với nhiều thiên tai, mất mùa, dẫn tới việc thiếu gạo để cung cấp đủ cho người dân trong nước.

Trong bối cảnh ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra của sản phẩm, việc Chính phủ hai nước ký kết gia hạn được Bản ghi nhớ này trong thời gian 05 năm sẽ giúp ngành sản xuất lúa gạo trong nước giải được một phần bài toán đầu ra, giúp các doanh nghiệp và bà con nông dân yên tâm canh tác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN