Gánh nợ hàng trăm tỷ, hàng ngàn con lợn nái biến thành... "con nghiện"

Sự kiện: Kinh Doanh

"Các cơ sở chăn nuôi lợn đang nợ ngân hàng trên 400 tỷ đồng đã đến kỳ trả hạn, nhưng lợn hơi vẫn không thể xuất chuồng. Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ bỏ chuồng, không thể tái phục hồi sản xuất”.

Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết về thực trạng của các trang trại chăn nuôi tại tỉnh này.

Gánh nợ hàng trăm tỷ, hàng ngàn con lợn nái biến thành... "con nghiện" - 1

Không chỉ lợn hơi, người chăn nuôi lợn nái cũng vô cùng khó khăn

“700 con lợn nái như 700 con nghiện”

Mặc dù tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tìm đủ kế sách giải nguy cho người chăn nuôi lợn nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh đang có khoảng 90.000 con lợn thịt đã đến thời gian hoặc quá thời gian xuất chuồng và hơn 20.000 con lợn giống sau cai sữa chưa xuất bán được. Doanh nghiệp chăn nuôi lớn đứng bên bờ vực phá sản, còn người chăn nuôi nhỏ lẻ thì cụt vốn.

Câu chuyện giá lợn hơi, lợn giống tụt dốc không phanh đang là vấn đề chung của cả nước, nhưng ở một địa bàn có tỷ lệ nuôi trang trại công nghiệp tăng nhanh như Hà Tĩnh (từ 11,9% năm 2011 lên 35,9% năm 2016) bài toán giải cứu số lợn đến ngày xuất chuồng càng nan giải hơn.

Theo khảo sát của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, giá lợn hơi đang sụt giảm từng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại, điều đáng báo động hơn là dù giá lợn giảm nhưng cũng không có người mua.

“Đầu tháng bình quân giá lợn hơi đạt 2,8 – 2,9 triệu đồng/100kg nhưng giữa tháng giảm còn 2,4 triệu đồng/kg. Đối với lợn giống, giảm còn 600 – 700 ngàn đồng/con (6-7kg/con), trong khi năm ngoái bán 1,5 – 1,6 triệu đồng/con”, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng nói.

Không chỉ thế, sức mua của các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và thương lái thu mua tự do cũng gần như “đóng băng”. Lợn thịt đã đạt 160 – 170kg/con nhưng không ai nhòm ngó tới, trong khi mỗi ngày bà con vẫn phải đầu tư cám, thuốc thú y, công chăm sóc...dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh đang có khoảng 90.000 con lợn thịt đã đến thời gian hoặc quá thời gian xuất chuồng (trong đó, Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (12.000 con), Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (30.000 con)) và hơn 20.000 con lợn giống sau cai sữa chưa xuất bán được.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Cty CP thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc (Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh) thở dài: “Đúng là quá bi đát. Lợn kêu bán như cho không mà cũng chẳng ai thèm bắt. Bây giờ, doanh nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, còn người nuôi nhỏ lẻ cụt vốn, không thể tiếp tục tái đàn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh: “Hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lợn nái đang vay vốn ngân hàng sắp đến kỳ hạn trả nợ (tổng dư nợ trên 400 tỷ đồng) nhưng chưa có khả năng trả, không đủ điều kiện để tiếp tục vay vốn..., nên rất khó khăn trong việc duy trì đàn, quay vòng sản xuất. Nếu tình trạng này kéo dài thì nhiều cơ sở đứng trước nguy cơ bỏ chuồng, không thể tái phục hồi sản xuất”.

Theo ông Phương, 19 trang trại nái (quy mô 300 con trở lên) trên địa bàn tỉnh dồn ứ hàng chục ngàn con lợn giống buộc các chủ trại phải tính đến phương án để nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là không có chuồng để nuôi, chi phí đầu tư cám, công chăm sóc, thuốc thú y... 

Chủ một trang trại lợn nái ở huyện Đức Thọ cho hay, trang trại của anh hiện đang vay ngân hàng 3,6 tỷ đồng nuôi 700 con lợn nái. Do ảnh hưởng của thị trường nên trong chuồng đang tồn 1.600 con lợn giống, bình quân mỗi con 5 – 7kg, có những con đến 15kg. Tháng nào bán hết lợn thì lỗ 500 triệu, tháng nào không bán hết lỗ càng nặng hơn.

“Lợn giống đem đi cho cũng không ai thèm nhận, vừa rồi tôi phải đưa đi gửi nhà dân nuôi hộ 800 con. Bây giờ nuôi 700 con lợn nái như 700 con nghiện”, chủ trang trại này ngán ngẩm.

Ông Lê Văn Nhị, Giám đốc Cty CP chăn nuôi Mitraco cho biết, giá lợn thịt hiện chỉ bán được 21.000đ - 22.000 đ/kg, thậm chí có nơi mua 18.000đ - 21.000đ/kg, chỉ bằng 45% - 50% giá thành. Tình trạng này đã kéo dài 6 tháng nay nếu khoảng 3 tháng nữa thị trường không cải thiện chắc chắn từ doanh nghiệp đến người chăn nuôi nông hộ sẽ mất khả năng trả nợ ngân hàng. “Bây giờ lợn con sinh ra không có chỗ nuôi, thiếu vốn sản xuất không có tiền để mua thức ăn, thuốc thú y phải cắt giảm hoặc không sử dụng, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh rất cao”, ông Nhị lo lắng.

Cần chính sách về vốn

Chia sẻ với khó khăn của người chăn nuôi, quý 1/2017 Cty CP thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc đã thực hiện giảm giá cám bình quân 700đ/kg; cho khách hàng là hộ chăn nuôi (quy mô 20 – 50 con) thanh toán trả chậm với tổng dư nợ 15 tỷ đồng; đồng thời, tiết kiệm tất cả các chi phí trong khâu sản xuất, thậm chí giảm 20% lương của người lao động để bù vào chi phí giảm giá cám.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài các cơ quan chức năng cần cân đối nguồn cung – cầu để quy hoạch phát triển chăn nuôi toàn tỉnh, tránh tình trạng ồ ạt tăng đàn dẫn đến “nghẽn” đầu ra như bây giờ.

Gánh nợ hàng trăm tỷ, hàng ngàn con lợn nái biến thành... "con nghiện" - 2

Hà Tĩnh đang tồn hơn 70.000 con lợn chưa thể xuất chuồng

Về phía chính quyền địa phương cách giải quyết hiện nay cũng mới chỉ dừng lại ở việc kiến nghị Trung ương hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi lợn nái (quy mô 300 con trở lên), gồm: hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, mức hỗ trợ khoảng 70% lãi suất cho vay thông thường;  cho phép các tổ chức tín dụng khoanh nợ đối với các cơ sở sản xuất giống lợn do nguyên nhân khó khăn tiêu thụ sản phẩm, thời gian hỗ trợ đến hết năm 2018 (theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015); cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ khi cơ cấu lại nợ cho các khản dư nợ đầu tư phát triển chăn nuôi lợn nái ngoại quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP.

Mặc dù đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn nhưng để tránh gặp phải rủi ro kép, Chi cục chăn nuôi thú y Hà Tĩnh khuyến cáo bà con cần tuân thủ quy trình tiêm phòng đầy đủ cho lợn.

“Các xã, phường, thị trấn phải đẩy nhanh tiến độ và nâng cao tỷ lệ tiêm phòng đợt 1 năm 2017; đồng thời tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc tiêm phòng để người chăn nuôi tự giác chấp hành, hạn chế tối đa phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại thêm cho người chăn nuôi”, ông Trần Hùng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Hoa (Infonet)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN