Gánh hàng rong đắt đỏ vẫn đắt khách
Nhiều người dân ở Hà Nội đã tìm đến những gánh thực phẩm tươi sống bán rong trên đường phố để giải quyết chuyện chợ búa của mình khiến dân chuyên bán rong thực phẩm vào mùa ăn nên làm ra.
Vào cầu
Hầu hết người dân Hà Nội đều tỏ ra khó chịu với cái nắng như thiêu như đốt trong những ngày vừa qua. Nhưng riêng đối với dân bán thực phẩm rong trên các con phố lại lấy đó làm điều vui mừng bởi thời tiết càng nắng nóng những gánh rau xanh của họ càng đắt hàng.
Gặp chị Sen trên phố Thợ Nhuộm vào lúc 9h sáng với gánh rau xanh bán rong đã vơi đi quá nửa được chị vui mừng chia sẻ: "Gánh rau của tôi bán chạy lắm, chỉ cần dạo hết con phố này với hai, ba cái gõ nhỏ đã hết hàng rồi. Trước kia, bán cả ngày, đi mỏi hết cả chân mà rau vẫn ế chỏng chơ".
Theo chị Sen những gánh rau xanh bán rong đắt hàng là vì thời tiết nắng nóng, người dân ở đây có chung tâm lý trốn nắng, ngại ra ngoài đường nên đã tìm đến những gánh thực phẩm tươi sống được bán rong trên phố như thế này.
Đồng tình với quan điểm của chị Sen, chị Cúc bán rau trên phố Khâm Thiên vừa đẩy xe rau xanh của mình vừa nói: "rau củ tươi sống bán rong chuyến này đắt khách hơn chuyến trước. Với khách lạ, ít mua thì mình phải chào hoặc cũng có người thấy mình đẩy xe rau đi qua thì gọi lại rồi mua hàng. Với khách quen, nằm sâu trong các ngõ nhỏ khi đi qua mình có thể bấm chuông gọi họ xuống lấy rau cho mình".
Thắc mắc khi nhìn thấy xe rau của chị Cúc có nhiều túi nilon nhỏ đựng đủ các loại rau củ trong đó tôi liền được chị giải thích, đây là rau được những khách quen đặt trước, mình cho vào túi khi đến nhà chỉ việc giao cho người ta. Làm như vậy vừa tiện, vừa không bị lỡ hẹn khi nhỡ bán hết hàng, chị cho biết thêm.
Theo lời chị Cúc, khoảng một tuần trở lại đây do thời tiết nắng nóng khiến số người đặt mua rau của chị cũng tăng lên đang kể. Chẳng hạn, như hôm nay chị vừa nhận thêm được hai nhà nữa đặt mua rau hàng ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoài việc bán rong trên phố chị còn kiêm luôn việc đi chợ cho khoảng gần 30 gia đình theo đơn đặt hàng mỗi ngày của họ.
Không chỉ có những gánh rau củ bán rong trên phố mới đắt hàng, những gánh thực phẩm khác như thịt, thủy hải sản... cũng đang vào cầu khi nắng nóng kéo dài. Cô Hồng có gánh thủy sản bán rong trên phố chia sẻ: "Mấy hôm nay, chưa đến 10h sáng đã hết nhẵn hàng, chẳng lo cá, tôm chết ươn như trước. Số lượng hàng bán ra tăng gần gấp đôi so với dạo trước mà thời gian bán được rút ngắn đi nhiều". Theo cô, người dân sợ nắng nên mua của hàng rong nhiều hơn, món cua đồng của cô hôm nào cũng cháy hàng từ sáng sớm.
Hàng rong đắt khách. (Ảnh minh họa).
Giá đắt vẫn mua
Tuy nhiên, để nhận được sự phục vụ tận nơi, những người này phải chấp nhận trả giá đắt gấp đôi hoặc gấp ba. Bác Oanh ở phố Thợ Nhuộm chia sẻ: "Rau xanh mua ở đây thường đắt gấp đôi, có thứ còn đắt gấp ba, loại nào rẻ nhất giá cũng phải cao gấp rưỡi so với ngoài chợ". Chẳng hạn, một mớ rau dền ngoài chợ chỉ bán giá từ 1.500-2.000 đồng nhưng mua ở những gánh hàng rong phải lên tới 4.000 đồng, như rau muống vào mùa giá thường rẻ vậy mà mua ở đây cũng 7.000 đồng/mớ, bác Oanh cho biết.
"Nhà có ba người, chuyện ăn uống, bếp núc cũng đơn giản. Thời tiết dạo này oi bức, mở mắt ra nắng đã như đổ lửa khiến mọi người không muốn bước chân ra khỏi nhà, cộng thêm chợ cũng khá xa nên chị thường giải quyết chuyện chợ búa của mình thông qua những gánh hàng rong", chị Ngân tâm sự.
Theo chị Ngân, rau củ bán rong tuy đắt hơn chợ nhưng tiện hơn vì không phải đội nắng ra ngoài. Từ bầu bí, rau muống, dền, cải... cho đến cà chua, tỏi, ớt, chanh, thịt, cá đều đủ cả, ngoài ra những người bán rong thực phẩm trên phố cũng khá linh động. Nếu mình thích ăn những loại rau khác mà họ không có đủ thì có thể đặt hàng từ hôm trước, đảm bảo hôm sau có ngay lập tức.
Ngồi bán rau cho chị Ngân tại phố Trần Cung (Cầu Giấy), cô Xuyến còn gợi ý thêm: "Nếu muốn ăn thịt, cá các loại chỉ cần dặn trước mua loại nào, số lượng bao nhiêu... hôm sau cô sẽ mua hộ cho". Giá cả chỉ như ngoài chợ chứ không đắt hơn, mỗi lần mua "hộ" như vậy cô chỉ lấy vài ba nghìn tiền công thôi, cô Xuyến giải thích.
Tuy nhiên, theo những người bán thực phẩm rong, mỗi người đều có một vùng làm ăn cụ thể thường là giới hạn trong vài ba khu phố, mấy con đường với lượng khách cố định. Vì thế, muốn làm ăn lâu dài, buộc phải làm ăn có uy tín mà quan trọng nhất là hàng phải chất lượng, phục vụ tốt. Thậm chí phải hiểu được cả ý thích mỗi ngày của các chủ hàng.