Gần 100 nghìn DN “không xác minh được”
Trong số 541.103 doanh nghiệp đang tồn tại về mặt pháp lý, có tới 92.710 doanh nghiệp thuộc diện “không xác minh được”, trong số này có tới 60.454 doanh nghiệp được xác định là đã bỏ trốn hoặc mất tích.
Số liệu về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được công bố sáng nay có thể làm giật mình các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đó, “dẫn đầu” về số lượng doanh nghiệp “không xác minh được” là TP. HCM với 48.531 doanh nghiệp, chiếm 26,8% trong khi con số tương ứng tại Hà Nội là 23.174 doanh nghiệp, chiếm 19,7%.
“Số doanh nghiệp không xác minh được thực chất là các doanh nghiệp hoạt động trá hình, thành lập để buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện nghĩa vụ thuế, không có địa chỉ rõ ràng”, Tổng cục Thống kê cho biết
Tuy nhiên, ngay cả với 448.393 doanh nghiệp “xác minh được”, thì trên thực tế cũng chỉ có 375.732 doanh nghiệp đang thực sự có hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay, theo kết quả điều tra chọn mẫu 9331 doanh nghiệp trên cả nước về thực trạng và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp, từ thời điểm 1/1/2011 đến 1/4/2012, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%, trong đó số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%.
Trong ba loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất (9,1%), tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước (2,7%) và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (2,4%).
Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất với 13,6% tổng số doanh nghiệp điều tra; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên (9,9%); Đông Nam Bộ (8,6%); Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (8,2%); Trung du và miền núi phía Bắc (7,2%) và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (6%).
Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 14,7% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 4,6% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,6% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.
Trong số các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, có đến 88,4% doanh nghiệp phản ánh họ sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới; 11,6% doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.
Trong số doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ thành lập mới, có 38,9% có kế hoạch thành lập mới ngay trong năm 2012; 25% sẽ thành lập mới trong năm 2013; 16,7% sẽ thành lập mới trong năm 2014 và 19,4% sẽ thành lập mới sau năm 2014. Kết quả điều tra còn cho thấy yếu tố gây cản trở lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lãi suất vay vốn quá cao.