Gà Yên Thế: Chỉ đạo không làm nên thương hiệu

Một nông dân nuôi gà Yên Thế (Bắc Giang) đề xuất: Nhà nước cần nghiên cứu, tạo ra một giống gà thật chuẩn, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Vào thời hồng hoang nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản Việt, câu chuyện gà đồi Yên Thế mang nhiều tình tiết rất thú vị. 

Gà Yên Thế: Chỉ đạo không làm nên thương hiệu - 1

Nuôi gà đồi Yên Thế cho thu nhập cao. 

Chưa một loại sản phẩm nào của nhà nông được một phó thủ tướng đích thân vừa quảng bá vừa chỉ đạo trực tiếp thị trường Hà Nội tham gia tiêu thụ như gà đồi Yên Thế. Từ chỉ đạo của cấp trên, đầu năm Quý Tỵ, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo tiếp các sở, ban, ngành cùng các địa phương của mình tổ chức hệ thống mạng lưới thu mua và tiêu thụ gà Yên Thế đến tận tổ dân phố và bếp ăn tập thể trên địa bàn. Thế rồi Bộ KH-CN, Bộ NNPTNT, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm cùng nhảy vào tiếp sức để con gà Yên Thế trở thành vật nuôi đầu tiên trong cả nước có thương hiệu đàng hoàng. Ngỡ tưởng với các nỗ lực rất đáng trân trọng như trên, gà đồi Yên Thế cắm chắc được cả hai chân vào thị trường Hà Nội với chất lượng mệnh danh là “đặc sản”. Nhưng những gì đang xảy ra với con gà Yên Thế lại đang chứng minh một thực tế khác: Thương hiệu không được làm nên từ sự chỉ đạo hành chính dù ở cấp cao nhất.

Sản phẩm gà Yên Thế đang phải vật lộn với hầu hết các thử thách đặc trưng của kinh tế thị trường, từ khâu giống, quy trình chăn nuôi, chống đỡ hàng nhái, quảng bá thương hiệu và liên kết tiêu thụ... Dù gì, đầu tiên phải nói đến chính là những nông dân đang sở hữu thương hiệu gà Yên Thế. Ngoài những thiếu hụt kiến thức thị trường, kinh nghiệm cạnh tranh, tư tưởng manh mún trong sản xuất, việc bà con vẫn đeo đẳng lối nghĩ rằng “Nhà nước cần tạo ra giống gà chuẩn để nông dân yên tâm chăn nuôi” đã mang tính không tưởng cho một sự khởi nghiệp làm ăn ở nền kinh tế thị trường. Kể cả mọi loại nông sản khác, Nhà nước không phải là cơ quan đi lo giống má, phân bón…

Người nuôi gà Yên Thế cũng như nông dân trồng lúa ĐBSCL phải tìm cách thức đưa mình lên thành một đối tác bình đẳng với các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đưa con gà, hạt lúa từ chuồng, từ cánh đồng ra thị trường. Nông dân chỉ cần dựa dẫm vào Nhà nước ở mảng chính sách có lợi cho mình và bảo đảm cho chính sách được thực thi. 

Trong khi nông dân còn vương vấn với “sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên” thì chính các nhà quản lý lại chiều chuộng lối mòn tư duy ấy bằng việc thò tay trực tiếp chỉ đạo đường ra chợ cho con gà Yên Thế. Nhưng thị trường, nhất là còn ở dạng hỗn mang như thị trường Việt Nam, lòng tốt của các nhà quản lý không thể là cái ổ đủ hơi ấm cho thương hiệu gà Yên Thế non nớt trưởng thành. Được cấp trên quan tâm, nông dân chờ “Nhà nước đứng ra đảm bảo cung cấp giống gà chuẩn”, và tệ hại hơn là mua giống gà trôi nổi về nuôi dưới thương hiệu gà Yên Thế trong khi cơn lốc gà nhái hoành hành. Đó là cách đẩy nhanh nhất thương hiệu non nớt này đến ngõ cụt. Cái ổ sẽ mang lại hơi ấm đủ sức nuôi thương hiệu gà đồi Yên Thế trưởng thành phải bắt đầu từ chính các hội viên Hội Chăn nuôi Yên Thế-nơi mới chỉ tập hợp được 700 hộ trong khi cả vùng có tới 27.000 hộ chăn nuôi gà đồi đặc sản. Thương hiệu là do thị trường xác lập chứ không do chỉ thị hành chính. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyện (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN