"Gà trốn dịch” bán rong khắp phố

Gần đây, tại Hà Nội liên tục xuất hiện những lồng gà bán rong chạy dịch cúm giá cầm với mức giá rẻ bèo.

Bán tháo vớt tý vốn

Kiểm soát chặt chợ Hà Vĩ

Khác với tình trạng buông lỏng quản lý ở nhiều chợ, tại chợ  Hà Vĩ (huyện Thương Tín, Hà Nội) việc quản lý khá chặt. Ông Lê Xuân Viết, Trưởng ban quản lý chợ Hà Vỹ cho biết, mọi xe hàng chở gia cầm vào chợ Hà Vỹ phải có đủ giấy tờ theo đúng quy định như: giấy kiểm dịch động vật, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận phòng bệnh của chính quyền địa phương. Ở chợ hiện không có gia cầm nhiễm cúm, gia cầm thải loại cũng như nhập lậu từ Trung Quốc.

Tại các khu dân cư có chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn Hà Nội gần đây thường xuyên xuất hiện những người đi xe máy hoặc xe đạp chở những lồng gà rao bán. Hầu hết người bán gà đều nói là gà quê, đảm bảo chất lượng nhưng giá lại rẻ giật mình khi chỉ bằng một nửa trước đây: 65.000- 70.000 đồng/kg.

Trong vai khách hàng, chúng tôi ngỏ ý muốn mua một con gà nhưng sợ dịch cúm không dám giết thịt, chị bán gà nhanh miệng trấn an: “Chị đem bán, đèo suốt ngày sau lưng còn không sợ thì em có gì mà sợ. Chị mà bán gà bệnh thì chị chết trước. Em sợ thì chị đến tận nhà thịt cho. Chị bán giá gốc vớt vát vốn liếng, có 70.000 đồng/kg thôi”…

Một chị bán gà rong tại khu tập thể Học viện Tài chính (Từ Liêm, Hà Nội) cũng sẵn sàng giết mổ gà khi khách hàng có yêu cầu. Khi chúng tôi e ngại về việc chị giết mổ không đeo găng tay, khẩu trang, chị bán gà thản nhiên: “Từ bé đến giờ chị chưa đeo găng tay để làm bất cứ cái gì, khẩu trang cũng chẳng cần. Gà nhà chị nuôi khỏe mạnh, giết mổ là bình thường, chẳng có gì phải sợ. Nhiều người đã nhờ chị giết mổ, còn nhờ chị nấu luôn”.

"Gà trốn dịch” bán rong khắp phố - 1

Hai phụ nữ bán gia cầm ngay điểm dừng xe buýt cạnh bãi tập kết rác tại
xã Phú Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: M.H

Bà Nguyễn Thị Bích (quê ở xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cho biết: “Ở quê tôi nhiều nhà có gà đang nháo nhác đem đi bán tháo. Tại các chợ ở quê, gà lông chỉ 55.000- 60.000 đồng/kg. Từ khi có thông tin dịch cúm, rất nhiều hộ cũng gọi thương lái đến bán đổ, bán tháo do sợ gia cầm bị tiêu hủy”.

Một số người bán gà rong khác thì tập trung vào một chỗ và giết mổ tại chỗ. Tại các điểm mua bán, giết mổ này, những người giết mổ gia cầm cũng không mang khẩu trang và găng tay. Họ vặt lông, mổ gia cầm ngay trên vỉa hè hoặc bên cạnh bãi rác. Nồi nước sôi, dao giết mổ được sử dụng chung nên rất dễ lây lan nếu có gia cầm bị nhiễm cúm.

Theo quan sát của chúng tôi tại một điểm bán, giết mổ gia cầm tại xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm) chỉ trong vòng 30 phút đã có hơn 10 con gia cầm được giết thịt. Tất cả đều sử dụng chung một nồi nước, một con dao.

Nồi nước sôi khi đã quá bẩn vì lông gà vịt và khi không còn sử dụng nhúng gia cầm được nữa, người giết mổ đổ thẳng xuống mặt đường, cho nước chảy xuống cống gần đó. Suốt nhiều ngày quan sát tại đây, chúng tôi không thấy bóng dáng cán bộ chức năng đến kiểm tra, nhắc nhở.

Không chỉ ở chợ cóc, chợ tạm mà tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội, người dân vẫn vô tư bán gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bất chấp chuyện có dịch cúm dù liên tục được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo về dịch cúm gia cầm tiếp tục lây lan, bùng phát.

Dịch cúm đã “phủ” 17 tỉnh, thành

Cục Thú y cho biết, tình hình dịch cúm gia cầm tiếp tục lan nhanh ở các địa phương, tại 17 tỉnh thành với 67 ổ dịch: Đăk Lăk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy hơn 145.000 con.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc chống dịch cúm nhưng trên địa bàn tình trạng bày bán gia cầm sống hay gia cầm chưa kiểm dịch vẫn tồn tại.

Điều này cho thấy, việc kiểm soát của các cơ quan chức năng là chưa đủ, đòi hỏi sự tự giác của người tiêu dùng kiên quyết không sử dụng các sản phẩm từ gia cầm chưa qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn cúm gia cầm bùng phát ở địa phương và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thân trong gia đình. Các bà nội trợ cần nêu cao cảnh giác, chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được cơ quan thú y kiểm dịch.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyên rằng, phòng ngừa dịch cúm gia cầm cần đến sự cảnh giác, ủng hộ cao của người tiêu dùng. Người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách nói không với gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Virus cúm gia cầm sẽ bị tiêu diệt khi nấu chín nên cần phải nấu chín kỹ thịt.

Tuyệt đối không ăn tiết, không chọn những quả trứng có nhiều vết bẩn trên vỏ, vỏ trứng mỏng, vi khuẩn dễ xâm nhập, lau sạch trứng và đựng trong nắp đóng kín để tránh vi khuẩn lây lan trước khi cho vào tủ lạnh. Đeo khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc gia cầm sống, khi giết mổ. Chọn mua gia cầm ở địa chỉ uy tín có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng trên mỗi sản phẩm để phòng ngừa dịch cúm gia cầm.

Làm gà ngay cạnh bãi rác

Chị Hà Thị Vĩ, bán hàng ngay trên trục đường của xóm Trại, xã Phú Diễn, Từ Liêm bức xúc: “Có mấy người thường xuyên bán và giết mổ gà tại bãi rác này nhưng không có ai nhắc nhở.

Họ bán rất nhiều ngày rồi, nước rác đổ lênh láng, bốc mùi hôi nồng nặc, rất nguy hiểm. Chúng tôi đi qua cũng thấy sợ, nhưng nói không được vì dù sao đó cũng là khu tập kết rác, không thuộc diện tích của ai cả”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN