Gà bệnh TQ giá rẻ "như bèo" có nguy cơ tràn sang VN
Gần đây, đài Radio Free Asia (RFA) đã thực hiện một cuộc điều tra về quy trình chế biến thịt bẩn trong một trại gà của Trung Quốc và đã tìm ra nguyên nhân thực sự khiến giá gà của quốc gia này trở nên siêu rẻ.
Để thực hiện cuộc điều tra này, RFA đã đến tận một trang trại gia cầm ở Trung Quốc. Qua khảo sát, một công nhân ở trang trại này cho biết, mỗi một ngày, trang trại có tới 40-50 con gà chết vì bệnh. Sau đó, những con gà này sẽ được làm thịt và bán cho những chủ cửa hàng ven đường với giá "cực rẻ".
Hiện nay, quá trình chế biến gà bị bệnh và đem bán vẫn đang diễn ra phổ biến ở các trang trại gia cầm của Trung Quốc. Trước đó, tại Trung Quốc, thịt gà vẫn luôn được xem là loại thực phẩm an toàn nhất do đợt bùng phát dịch cúm gia cầm đã cướp đi sinh mạng của nhiều người dân trong những năm gần đây, khiến đất nước này thắt chặt kiểm tra an toàn thực phẩm.
Sau khi được xem những hình ảnh về cách chế biến gà, một người tiêu dùng Trung Quốc đã rất bất ngờ và nói: "Tôi luôn nghĩ rằng thịt gà là loại thực phẩm an toàn. Tôi không ngờ chuyện này có thể xảy ra".
Trong khi đó, tại một hội thảo song phương trước đó giữa Cục Thú y Việt Nam và cơ quan thú y Trung Quốc, Việt Nam đã đề xuất cho nhập khẩu chính ngạch sản phẩm gà thịt và gà giống 1 ngày tuổi của Trung Quốc vào Việt Nam. Vấn đề này đã khiến cả người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước lo ngại.
Trên thực tế, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn thịt gà, nếu việc nhập khẩu này được thông qua, khả năng cao người dân Việt Nam sẽ phải "mua nhầm" thịt gà chết của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đề xuất này vẫn chưa được thông qua.
Ông Trần Trọng Bình, Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, thông tin cho biết, trong thời gian qua, bệnh dịch cúm gia cầm bùng nổ ở Trung Quốc khiến gà nơi đây có dư lượng kháng sinh rất cao. Theo đó, gà Trung Quốc sẽ mang rất nhiều chủng cúm. Nếu nhập vào Việt Nam thì sẽ gây cúm cho đàn gà thuần chủng trong nước, mặt khác sẽ gây ảnh hưởng lớn cho ngành chăn nuôi quốc gia và sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: "Gian lận thương mại khi chưa cho phép nhập, chúng ta đã không kiểm soát được. Gà kém chất lượng, gà thải loại vẫn được nhập vào hàng trăm tấn mỗi năm. Nếu chúng ta hợp pháp hoá thì chúng ta làm sao phân biệt được con gà nào là gà chính ngạch, con gà nào là gà gian lận. Người chăn nuôi chúng tôi sợ nhất việc đó".
Vào ngày 1.4 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã cảnh báo, hiện nay, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9. Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã ban hành công điện số 10598/CĐ-BNN-TY ngày 28.12.2015 về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người, chỉ thị số 685/CT-BNN-TY ngày 25.1.2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.