EVN nói gì về phương án biểu giá điện "không giải thích nổi"?

Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng không hiểu 3 phương án biểu giá điện mà EVN đưa ra: “Tại sao ra các con số đó mà không phải là con số khác. Tôi nhìn vào các biểu giá điện mà không thể giải thích nổi”.

“Xây dựng giá điện là việc của Nhà nước tại sao EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam - PV) lại tổ chức hội thảo lấy ý kiến?!. Việc của EVN là phải tiết giảm chi phí và chỉ được làm biểu giá điện cho mình thôi, sao lại làm giá điện cho xã hội thay cho Nhà nước?”.

Ông Nguyễn Đình Cung đã nói như vậy tại cuộc họp lấy ý kiến về 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện do EVN tổ chức tại Hà Nội sáng nay (22.9).

Theo Viện trưởng CIEM, biết chi phí thì mới ra giá điện. “Với mấy phương án biểu giá điện EVN đưa ra thì các chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối điện, giá bán lẻ là bao nhiêu? Chỗ nào tốt, chỗ nào không tốt, chỗ nào có thể giảm được chi phí… Giá điện phải phản ánh được cơ cấu của các chi phí này trong chuỗi sản xuất, còn tự nhiên ra “một cục” như thế này thì ở đâu ra? Người dân hiểu như thế nào?” - ông Cung bình luận.

EVN nói gì về phương án biểu giá điện "không giải thích nổi"? - 1

Ông Cung cũng cho rằng, giá điện là giá điện, không nên phân biệt giàu-nghèo. “Anh dùng nhiều điện thì phải bị đánh thuế môi trường cao lên chẳng hạn. Chính sách cho người nghèo là của Nhà nước, không phải của ông Tri (tức ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN). Do vậy, trợ cấp, bù giá là chính sách của Nhà nước. Cách tiếp cận như thế mới cho ra một biểu giá điện minh bạch” - ông Cung nói.

Trước phản ứng khá gay gắt của ông Cung, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN trần tình rằng, đứng ở góc độ một doanh nghiệp EVN chỉ cần bán đủ chi phí là được, nhưng EVN không phải là một doanh nghiệp bình thường mà phải chịu trách nhiệm cung cấp đủ điện cho toàn nền kinh tế dù sản xuất điện chiếm dưới 50%. EVN còn đầu tư các nhà máy mới.

“Chính phủ đã giao thì phải làm, không thể muốn nhận hay không? Muốn thay đổi như anh Cung nói thì phải kiến nghị Chính phủ. Chúng tôi cũng muốn bên ngoài làm hộ và thiếu điện thì đừng có nói do EVN. Tôi cũng nói với anh Tuấn (tức Cục trưởng Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương) là giá điện Chính phủ quyết thế nào thì EVN thực hiện như thế, tổ chức hội thảo làm gì nhưng Bộ Công Thương yêu cầu EVN phải lấy ý kiến, EVN không thể không chấp hành” - ông Tri trần tình.

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính, đại diện Công ty tư vấn cho EVN xây dựng 3 - cho rằng, cơ cấu biểu giá điện hiện tại không còn phù hợp. Biểu giá điện hiện hành gồm 6 bậc, có nhược điểm, có nhiều khó khăn trong quản lý, ghi chỉ số công tơ. Người tiêu dùng cũng rất khó theo dõi.

Theo ông Thỏa, khi xây dựng biểu giá điện, công ty tư vấn đã xem xét cách tính của các nước thế nào, xem cách làm của Việt Nam có “trái khoáy” không. Theo đó, các nước đều có nét riêng nhưng có điểm chung là đều phân chia giá điện theo mục đích sử dụng và áp dụng bậc thang. Chỉ số ít nước áp dụng đồng giá như Singapore, Philippines, Tây Úc…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì cho rằng, từ năm 2009 đến nay, mỗi khi ngành điện điều chỉnh giá hay biểu giá điện đều không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Có lý do người tiêu dùng không muốn giá tăng, nhưng cũng có lý do EVN không thực sự minh bạch.

Theo ông Long, với biểu giá điện 6 bậc hiện nay, thì chỉ có hai bậc đầu giảm giá khoảng 5% so với giá bán điện bình quân. Mức giá này EVN không có lãi chứ không lỗ. Trong khi đó, giá điện ở các bậc sau, có bậc tăng khoảng 50% so với giá bình quân là rất vô lý. “Tôi nghi ngờ các mức giá này sẽ vi phạm mức giá bình quân điện sinh hoạt 1.747 đồng/kwh của Chính phủ” - ông Long nói. Chuyên gia này đồng ý với quan điểm biểu giá lũy tiến theo bậc thang nhưng phải tính toán lại các mức giá, giãn khoảng cách giữa từng bậc thang. Sử dụng 6 bậc như hiện nay là hợp lý nhưng hệ số giá từng bậc phải thấp hơn.

Trước đó, EVN đưa ra 3 phương án biểu giá điện gồm: Giữ nguyên biểu giá điện 6 bậc thang như hiện hành; tính đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh; rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc thang. 

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc thang như hiện hành

EVN nói gì về phương án biểu giá điện "không giải thích nổi"? - 2

Phương án 2: Quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) 1.747 đồng/kWh, là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.

EVN nói gì về phương án biểu giá điện "không giải thích nổi"? - 3

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc. Phương án này được EVN xây dựng 5 kịch bản với các cách phân chia khác nhau, nhưng dễ hiểu nhất là phân ra sử dụng 100kwh/tháng giá 1.501 đồng/kwh; 200kwh/tháng giá 1.907 đồng/kwh và trên 300kwh/tháng giá 2.557 đồng/kwh.

EVN nói gì về phương án biểu giá điện "không giải thích nổi"? - 4

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN