EVN kiến nghị điều hành giá điện như giá xăng dầu
Trước tình trạng chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao trong khi giá bán điện không đổi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất được áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành giá xăng dầu.
Ngày 12-12, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội nghị này, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao.
Điển hình, giá khí, giá dầu tăng vài chục phần trăm, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ ổn định từ năm 2019 đến nay. Do nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố nêu trên, ông Trần Đình Nhân cho hay, tình hình tài chính EVN năm 2022 và thời gian tới có rất nhiều khó khăn.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN phát biểu tại hội nghị. Ảnh: EVN
Đáng lo ngại, lãnh đạo của EVN cảnh báo nếu bị mất cân đối tài chính, EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện trong thời gian tới.
Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn.
“Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu” - Tổng giám đốc EVN kiến nghị.
Theo báo cáo của EVN, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỉ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỉ đồng.
Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỉ đồng.
Để giảm bớt tối đa có thể những khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2022, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp như tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên; cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa tài sản cố định; tạm chi lương cho cán bộ nhân viên bằng 80% mức lương bình quân năm 2020, tăng cường quản trị các khoản giảm giá thành điện...
Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã cố gắng để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỉ đồng,...
Trong khi đó, theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021. Do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao nỗ lực của EVN trong thời gian qua. Là doanh nghiệp nhà nước, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế - xã hội, EVN đã “hi sinh” lợi ích để đóng góp vào sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng đánh giá cao vai trò của 19 tập đoàn, tổng công ty trong đó có EVN, đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc dân thời gian qua.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cũng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng có trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường, bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh.
Với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các doanh nghiệp quyết liệt đề xuất để Ủy ban xem xét, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Nguồn: [Link nguồn]
Biến động giá cả đầu vào sản xuất khiến chi phí sản xuất điện và mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng mạnh thời gian qua. Tập đoàn này tính toán, theo diễn...