EVN đề nghị Bộ Công Thương tăng giá điện
EVN đã đề nghị Bộ Công Thương quan tâm bổ sung các chi phí đầu vào tăng thêm vào giá điện năm 2015 như tăng giá khí, giá than cho sản xuất điện, thuế tài nguyên, chi phí trồng rừng, chi phí tiền sử dụng đất của các hồ thủy điện theo Luật đất đai mới. Với các chi phí này tính vào, giá thành điện 2015 sẽ tăng lên và giá điện chắc chắn cũng sẽ phải tăng lên.
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2015 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra sáng nay (13.1), ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết:
Năm 2015, EVN có nhiều thuận lợi như: thị trường tài chính tiền tệ ổn định; lãi suất vay vốn, giá xăng dầu, cước vận tải có xu hướng giảm so với năm trước. Tuy nhiên, những yếu tố bất lợi tác động tới sản xuất kinh doanh của tập đoàn là các chi phí đầu vào đã tăng rất lớn từ năm 2014 chưa được đưa vào cân đối trong giá điện hiện hành, như giá than, khí, thuế tài nguyên, phí môi trường rừng tăng… Các chi phí tăng thêm cộng với lỗ tỉ giá các năm trước treo lại đã lên tới trên 16.000 tỉ đồng.
EVN đề xuất tăng giá điện từ tháng 12.2014 nhưng chưa được chấp thuận. Ảnh minh họa.
EVN đã đề xuất tăng giá điện 9,5% từ tháng 12.2014 nhưng chưa được chấp thuận. Giá bán lẻ điện bình quân vẫn theo mức điều chỉnh từ ngày 1.8.2013 là 1.509 đồng/KWh. Năm nay, EVN đặt mục tiêu sản xuất kinh doanh điện có lãi, cân bằng được tài chính. Mục tiêu này đang tạo áp lực lớn cho việc điều chỉnh giá điện.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương sẽ xem xét phương án đề xuất tăng giá điện của EVN. Theo đó, nếu chi phí đầu vào của EVN tăng 7-10% thì cho phép tập đoàn này được tăng giá điện; nếu tăng trên 10% và giá điện nằm ngoài khung giá phát 1.437-1.835 đồng/kWh thì Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính thẩm tra trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Các nguồn tin cho hay, có 3 mức đề xuất tăng giá điện đã được EVN đưa ra từ cuối năm 2014 và các bộ liên quan đang ủng hộ mạnh cho phương án tăng thêm 9,5% so với mức giá điện hiện tại đang áp dụng.
EVN dự báo, năm nay tổng công suất các nguồn điện toàn hệ thống đạt 34.000 MW, với dự báo phụ tải có thể đạt 26.000 MW, hệ thống điện dự phòng đạt công suất. Dự báo của EVN nhu cầu sử dụng điện phục phụ sản xuất và kinh doanh có thể sẽ tăng. Tuy nhiên EVN cho rằng có thể đáp ứng đủ điện cho đất nước.