Euro 2012: Ai hốt bạc, ai lỗ nặng?

Theo dự báo, Euro 2012 có thể lại là một chiến thắng lớn cho Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) khi ước tính đem về hàng tỷ EUR cho cơ quan này. Tuy nhiên, với các đồng chủ nhà và người dân châu Âu, vẫn chưa rõ “trận bóng” Euro 2012 sẽ thắng hay bại.

UEFA và các đại công ty “hốt bạc”

Theo dự báo tài chính của UEFA, Euro 2012 sẽ mang về cho họ 1,355 tỷ EUR (1,7 tỷ USD), cao hơn một ít so với Euro 2008 tổ chức tại Áo và Thụy Sĩ (1,351 tỷ EUR). Theo đó, doanh thu từ bản quyền truyền thông sẽ chiếm tới 62%, tương đương 840 triệu EUR (1,05 tỷ USD), doanh thu từ bản quyền thương mại (tài trợ, nhượng quyền…) đóng góp 22% tổng doanh thu, tương đương 290 triệu EUR (363,4 triệu USD).

Nguồn thu từ khách sạn và bán vé chỉ chiếm một phần nhỏ, lần lượt là 7% (100 triệu EUR) và 9% (125 triệu EUR). Như vậy, chỉ trong vòng 20 năm (từ năm 1992-2012), doanh thu từ các giải Euro của UEFA tăng tới 33 lần, từ 41 triệu EUR lên 1.355 triệu EUR.

Sẽ thắng lớn cùng với UEFA là các đại công ty trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo. CEO Adam Crozier của hãng truyền hình ITV (Anh) dự báo doanh thu truyền hình của hãng trong tháng 6 sẽ tăng khoảng 17% nhờ Euro 2012.

Đây sẽ là liều thuốc đúng lúc cho ITV, khi hãng này báo cáo doanh thu giảm 1% vào quý I. Nếu kết quả đúng dự báo, ITV dự định đạt tăng trưởng doanh thu 7% trong quý II, giúp doanh thu nửa đầu năm 2012 tăng 3%. Ngay sau tin tức này, giá cổ phiếu của ITV lập tức tăng 5%.

Tương tự, hãng TalkSport dự báo lợi nhuận từ sóng phát thanh sẽ tăng 20% trong bối cảnh doanh thu quảng cáo tăng nhờ hiệu ứng từ Euro 2012 và Olympics London. UTV cho biết chi nhánh Radio GB có doanh thu tháng 5 tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. TalkSport đã được trao quyền phát sóng bình luận toàn bộ 31 trận của Euro 2012 tại Ukraine và Ba Lan.

Với tư cách là nhà tài trợ, nhà cung cấp chính thức của Euro 2012, hãng hàng thể thao Adidas dự báo sẽ bội thu, giúp doanh thu năm nay tại Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đạt 1,36 tỷ USD, tăng so với 1 tỷ USD hồi năm ngoái.

Tương tự, hãng Nike dự báo doanh thu ở khu vực này tăng vượt 2 tỷ USD. Tuy nhiên, Euro 2012 cũng là dịp làm lợi cho... mafia. Theo nguồn tin từ Cơ quan Tình báo Đức (BND), Luzhniki, một băng nhóm mafia khét tiếng ở Moscow (Nga), đã khống chế giới chủ khách sạn ở các thành phố đăng cai tại Ukraine phải tăng mức giá cả dịch vụ theo ý chúng.

Hiện nhiều khách sạn đã tăng giá gấp 10 lần bình thường và sẵn sàng cắt hợp đồng đã ký với các công ty lữ hành trước đó để tăng giá. Ngoài ra, người hâm mộ còn có nguy cơ bị rơi vào “bẫy điện thoại” khi đi xem Euro 2012 ở Ukraine, đặc biệt những fan bóng đá đến từ EU. Nghiên cứu của uSwitch.com cảnh báo fan bóng đá Anh có thể “sa bẫy” điện thoại lên đến 5.500 bảng (179,6 triệu VNĐ) vì thói quen dùng điện thoại của họ.

Lý do Ukraine nằm ngoài EU, nên cước phí điện thoại, nhắn tin, lướt web đều rất đắt đỏ. Ước tính, những fan bóng đá đến Ukraine 9 ngày từ ngày 11-6 (khi đội Anh đá) sẽ phải tốn thêm 2.362 bảng tiền điện thoại. Nếu ai đến từ ngày 11-6 và ở cho đến trận chung kết 1-7, hóa đơn điện thoại có thể lên tới 5.500 bảng.

Euro 2012: Ai hốt bạc, ai lỗ nặng? - 1

Euro 2012 được mong đợi như một liệu pháp kích cầu cho cả Ba Lan và Ukraine

Hy vọng cho Ba Lan

Với Ba Lan, hầu hết các nhà quan sát đều tin rằng việc đăng cai Euro 2012 sẽ là một cơ hội tốt để quảng bá đất nước, kích cầu tiêu dùng và cải thiện cơ sở hạ tầng. Có thể nói các dự án phục vụ cho Euro 2012 ở Ba Lan như đường cao tốc, công trình thể thao, sân bay, khách sạn... cũng là để phục vụ kinh tế-xã hội của Ba Lan.

Như 4 sân vận động được xây dựng trong dịp này sau khi kết thúc Euro 2012 sẽ trở thành sân nhà của các đội bóng trong nước, hoặc là sân thi đấu của nhiều môn thể thao khác. Theo nhà phân tích Michal Urbankowski, Ba Lan có thể chiến thắng trong ván cược Euro 2012.

Dự báo sự kiện này sẽ giúp GDP Ba Lan tăng 2% trong năm nay và ảnh hưởng tích cực đến kinh tế trong những năm tới.

Tuy nhiên, kể từ khi tin tức về việc Ba Lan sẽ đồng đăng cai Euro 2012 được công bố (năm 2007), chỉ số WIG của thị trường chứng khoán Warsaw rớt giá tới 36%. Dĩ nhiên, phần lớn sự tuột giảm này đến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công châu Âu, nhưng một số người vẫn không loại trừ khả năng nhà đầu tư lo ngại về tác động xấu của Euro đối với nền kinh tế.

Dù thế nào đi nữa, đặt cược 25 tỷ USD vào Euro 2012 trong bối cảnh đất nước đang còn nhiều khó khăn là khá liều lĩnh. Số liệu cho biết ít nhất có 723 công ty bị phá sản ở Ba Lan năm 2011, cao nhất 3 năm và tăng 10,4% so với năm 2010, 76% so với trước năm 2008.

Ukraine lỗ 8 tỷ USD?

Việc chi tiêu cho Euro 2012 ở Ukraine còn gây tranh cãi nhiều hơn. Không nói đến sự hoang phí trong việc xây dựng (xem lại kỳ 1), việc chọn thành phố đăng cai ở Ukraine cũng là một vấn đề. Trong khi tất cả 4 thành phố đăng cai ở Ba Lan đều là các thành phố du lịch nổi tiếng, có tới 2 thành phố đăng cai ở Ukraine là Kharkiv và Donetsk không phải địa danh du lịch.

Điều này dự báo sẽ giảm thiểu những tác động tích cực từ mùa giải Euro đối với kinh tế địa phương. Ngoài ra, một số SVĐ Euro 2012 của Ukraine vẫn chưa biết sẽ dùng vào mục đích gì sau mùa giải.

Vì vậy, dù Chính phủ Ukraine dự báo lạc quan rằng mùa Euro sẽ giúp GDP đất nước tăng 1,5% trong năm nay, nhưng các nhà phân tích nhìn thấy điều ngược lại. Theo báo cáo quý của Tập đoàn Phân tích Da Vinci AG, Ukraine sẽ thua lỗ 6-8 tỷ USD và khoản lỗ này sẽ không được bù đắp trong trung hạn.

“Chúng tôi không cho rằng sự kiện sẽ gia tăng lượng du khách đến Ukraine trong nửa sau năm 2012, cũng không thúc đẩy được hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa” - báo cáo của Da Vinci AG viết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Cường ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN