Èo uột hàng Tết

Sự kiện: Hàng Tết 2019

Thời điểm này được xem là mùa làm ăn “hốt bạc” của giới kinh doanh. Thế nhưng, hiện rất nhiều chợ, cửa hàng tại TPHCM cùng chung tình cảnh ế ẩm, thậm chí nhiều thương nhân còn chần chừ không dám trữ hàng tết.

Èo uột hàng Tết - 1

Nhiều tiểu thương ở chợ không dám trữ hàng tết vì sợ ế

Không dám trữ hàng

Ngày 25/11, dạo vòng quanh nhiều chợ truyền thống sầm uất như Bến Thành, Tân Định (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Bà Chiểu, Hoàng Hoa Thám (Q. Bình Thạnh)… chỉ thưa thớt khách đi chợ mua rau củ, thịt cá cho bữa ăn hằng ngày. Chị Thanh Mỹ (ngành hàng bánh kẹo) chợ Vườn Chuối (Q.3) cho biết: “Dịp Noel, lễ tết, món quà bánh kẹo, mứt… không thể thiếu trong mỗi gia đình. Thường, cứ khoảng đầu tháng 11 tiểu thương đã bắt đầu trưng các loại bánh mứt ngập quầy kệ nhưng năm nay, hầu như không có ai dám liều trữ mặt hàng này nữa. Chỉ dám lấy số lượng ít, bán hết tới đâu thì lấy tới đó thôi”.

“Các DN cần gia tăng bán hàng lưu động và giảm giá mạnh cho người dân ngoại thành, khu lưu trú công nhân, sinh viên. Quan trọng hơn, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; 100% mặt hàng thiết yếu phục vụ tết phải là hàng sạch hoặc ít nhất có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TPHCM đề nghị khi nói về kích cầu tiêu dùng cuối năm

Như mọi năm, bà Nguyễn Thị Vân - chủ cửa hàng đặc sản Ba Miền Minh Vân (Q.3) bỏ gần 500 triệu đồng trữ hàng. Thế nhưng hơn cả tháng qua chưa có khách nào đến đặt hàng tết. Bà Vân thở dài: “Ngày trước, những món đặc sản như cá kho làng Vũ Đại, vũ nữ chân dài… khách muốn mua phải đặt trước vài tháng mà chúng tôi còn không đủ hàng cung ứng. Khách trong nước, đặt hàng đi nước ngoài tấp nập. Còn bây giờ, cửa hàng đặc sản mở khắp nơi, chưa kể nhiều đặc sản ngoại cũng “đổ bộ” tết này với giá rất cạnh tranh. Hiện tại, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy sức mua sẽ tăng”.

Ông Hà Văn Bảy - chuyên cung cấp nông sản cho các chợ ở TPHCM lắc đầu ngao ngán: “Cứ nghĩ kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn, người dân sẽ có nhu cầu mua sắm nhiều hơn nhưng không ngờ năm nay vẫn rất ảm đạm. Tết bây giờ người ta dành thời gian đi chơi, đi du lịch nhiều hơn là mua hàng thực phẩm trữ tết nên tiểu thương không dám lấy hàng nhiều”.

Kích cầu không ăn thua

Không chỉ với thực phẩm mà cả với các mặt hàng thời trang như giày dép, quần áo, hàng điện tử… cũng đìu hiu, dù các nhà bán lẻ đã đang tung đủ chiêu kích cầu sức mua với mong muốn bù đắp sự sụt giảm doanh số trước đó. Nhiều buổi có mặt tại các siêu thị điện máy như: Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Ideas, Thiên Hòa, Phong Vũ…, chúng tôi nhận thấy nơi đây đều có các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua 1 tặng 1, sale của sale, cho vay không lãi suất, giảm giá đến 50%, hàng đồng giá 49.000 đồng… Dẫu vậy, đa số khách hàng chỉ chọn những sản phẩm gia dụng như nồi cơm điện, bàn ủi hoặc các sản phẩm thực sự thiết yếu, còn các loại điện thoại, máy tính, tivi, máy giặt, tủ lạnh có giá trị cao không gây được sự chú ý.

Tại shop Minh Thy (Nguyễn Trãi, Q.1) đang có chương trình giảm giá tới 50% tất cả các sản phẩm nhưng cũng không có mấy khách ghé vào. Nhân viên tên Hạnh nói: “Năm nay buôn bán rất ế ẩm. Giảm giá kiểu này là shop chấp nhận huề vốn nhưng người xem vẫn nhiều hơn người mua. Nếu tình hình này kéo dài, chắc năm tới shop sẽ trả lại mặt bằng”. Ở các trung tâm mua sắm lớn như Diamond, Vincome, Parkson…cũng thưa thớt khách dù nhiều nhãn hàng đã giảm giá, khuyến mãi.

Chuyên gia thị trường Đoàn Đình Hoàng đánh giá: “Theo dõi thị trường từ cuối tháng 10 đến nay cho thấy sức tiêu thụ tăng rất ít, chủ yếu là nhờ vào các chương trình khuyến mại giảm giá sâu. Do vậy, dù kỳ vọng vào thị trường trước Tết Nguyên đán, nhưng với tình hình hiện nay chưa thể chắc chắn được điều gì. Hiện nay, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ đều thận trọng trong kế hoạch sản xuất, phân phối do lượng hàng tồn vẫn còn nhiều”.   

Để bảo đảm hàng hóa ổn định mùa tết, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Công Thương TP có kế hoạch mời gọi, tạo điều kiện cho các DN, HTX sản xuất nông sản sạch đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối để gia tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương TPHCM, để chuẩn bị hàng hóa tết 2017, các DN đã dành hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa sẽ được dự trữ, sản xuất và cung ứng trong 2 tháng tết. Sở dự báo giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ tết sẽ ổn định, khó xảy ra tình trạng đột biến về giá, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường. Thành phố sẽ tổ chức hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng được DN đăng ký thực hiện trong tháng cận tết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương (Tiền phong)
Hàng Tết 2019 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN