Đường không rõ nguồn gốc: Mua giá rẻ, nhận hậu quả đắt
Đường vừa là gia vị dùng nấu nướng vừa ăn trực tiếp, nên việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa chất tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chưa thể “chặn dòng” đường cát bẩn
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam như An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang… liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển đường cát nhập lậu vào Việt Nam.
Trong đó, cuối năm 2020, khi kiểm tra tàu lưu thông từ biên giới Campuchia vào Việt Nam, công an đã phát hiện khoảng 100 tấn đường cát nhưng không có giấy tờ, hóa đơn hợp lệ.
Trước đó một năm, bộ Công an cũng đã bắt được “ông trùm” nhập lậu đường cát Vi Hoàng Minh, khi hắn và đồng bọn đang “phù phép” cho hơn 1.000 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia về thành đường sản xuất trong nước.
Hàng trăm tấn đường lậu được các đối tượng nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, ước tính lượng đường lậu về Việt Nam đã lên tới 800.000 tấn. Còn tính từ đầu năm 2020 đến nay, lượng đường cát nhập lậu bị bắt giữ tại tỉnh An Giang khoảng 400 tấn, tỉnh Long An khoảng 40 tấn và tỉnh Tây Ninh hơn 10 tấn.
Chỉ tính riêng trong tháng 2/2021, lực lượng chức năng các tỉnh Tây Nam đã bắt giữ trên 400kg đường cát nhập lậu.
Trong đó, tỉnh An Giang những năm qua luôn là cửa ngõ được giới buôn lậu tập trung khai thác, bởi nơi đây có nhiều thuận lợi về giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây cũng như đi các tỉnh phía Nam khác.
Gần đây, cơ quan chức năng An Giang đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý tốt tình trạng buôn lậu. Tuy nhiên, các cửa ngõ khác tại Kiên Giang, Quảng Trị, Long An, Bình phước, Tây Ninh, Đồng Tháp… tình trạng nhập lậu cũng diễn ra rất phức tạp.
Cơ quan chức năng các tỉnh này đã quyết liệt xử lý nhưng tình trạng nhập lậu đường cát vẫn nhiều các đường dây nhập lậu hoạt động tinh vi, nguồn đường cát lậu vẫn được các đầu nậu tìm cách đưa trót lọt về Việt Nam.
Vậy số đường đã nhập lậu trót lọt vào Việt Nam sẽ đi về đâu? Chúng được “hô biến” ra sao trước khi lên bàn ăn của người tiêu dùng?.
Đấu giá thanh lý hàng lậu để hợp thức hóa đường lậu
Nếu như trước đây đường cát nhập lậu thường được tập kết ở biên giới và chủ yếu được các nhóm mang vác về Việt Nam theo dạng nhỏ lẻ, thì nay đã hình thành những đường dây buôn lậu lớn. Mỗi chuyến vận chuyển lên cả trăm, cả ngàn tấn như nêu trên.
Tinh vi hơn, số đường lậu sẽ được các “ông trùm” như Vi Hoàng Minh ngang nhiên “thay áo mới” bằng bao bì, nhãn hiệu trong nước rồi phân phối đi tiêu thụ khắp nơi.
“Cao thủ” hơn cả Vi Hoàng Minh là chiêu thức của một số đối tượng dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu. Khi đấu giá, chúng sẵn sàng đấu thầu rất cao để khó ai cạnh tranh và thắng thầu.
Hoạt động buôn lậu đường cát ngày càng tinh vi.
Chiêu thức của một số đối tượng dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu. Khi đấu giá, chúng sẵn sàng đấu thầu rất cao để khó ai cạnh tranh và thắng thầu.
Hồ sơ thắng thầu, các đối tượng ngang nhiên sử dụng quay vòng cả cho các lô đường nhập lậu khác. Từ đó, “rửa sạch” số đường lậu không rõ nguồn gốc thành sản phẩm chất lượng bán cho người dân.
Thị trường chính của những chuyến hàng lậu này sẽ là các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể… nơi mà người tiêu dùng muốn mua được hàng giá rẻ hơn là chú ý đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm hay vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chỉ cần dạo quanh các chợ lớn ở TP.HCM, có thể nhận thấy nơi nào cũng có vài quầy kinh doanh đường cát trắng, cát vàng, đường phèn… được chất cao trong những bao giấy hoặc túi nilon cột dây thun.
Những bao đường này đều “6 không”: không nhãn mác, không bao bì thương hiệu doanh nghiệp, không chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, không chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh, không quy định giá thành, không cả nguồn gốc xuất xứ.
Tất cả thông tin “6 không” như trên, nếu muốn thành “6 có” thì cứ hỏi người bán mà khó để kiểm chứng đâu là sự thật.
Khi khách mua hàng, đường cứ thế được cân vào một bao nilon đem về nhà sử dụng, hiệu quả hay… hậu quả thì ai ăn nấy chịu.
Nguy hiểm hơn, khi muốn làm cho đường cát được đẹp cũng như để tăng giá thành, nhiều người sẵn sàng dùng hóa chất độc hại chế biến thêm vào mặt hàng thiết yếu này.
Ham đường giá rẻ nhận hậu quả… đắt
Người tiêu dùng từng “tái mặt” khi cơ quan công an bắt quả tang cơ sở của bà Lý Lệ Châu, 52 tuổi, ngụ KP.6, P.Đức Long, TP.Phan Thiết sản xuất đường cát vàng bằng axít photphoric (H3PO4) và phẩm màu vào năm 2015.
Bà Châu khai nhận, thường mua số lượng lớn đường cát trắng với giá 13.000 đồng/kg.
Sau đó dùng máy trộn đường cát trắng với axít H3PO4 (loại dùng trong tẩy rửa công nghiệp) và phẩm màu đỏ để làm thành đường cát vàng có màu vàng bắt mắt, không đóng cục, trọng lượng tăng hơn ban đầu.
Đường thành phẩm được đóng gói bán cho các tiểu thương kinh doanh, quán cà phê, tiệm ăn trên địa bàn TP.Phan Thiết.
Hoạt động buôn bán đường cát tại chợ Bình Tây, TP.HCM.
Đáng sợ là axít Phosphoric (H3PO4) là loại hóa chất được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp, dùng để xử lý nước thải nhà máy, nước sinh hoạt và có thể để điều chế phân bón.
Axit Photphoric còn có một loại dùng trong thực phẩm nhưng đã được tinh chế thành dạng muối. Loại muối này cũng không phải là phụ gia thực phẩm mà chỉ sử dụng làm chất hỗ trợ công nghệ, sau đó phải loại bỏ.
Theo các chuyên gia, axít photphoric dùng trong công nghiệp có thể gây độc cho máu, gan, da, mắt, tủy xương.
Tiếp xúc kéo dài với chất này có thể gây tổn thương các cơ quan, gây kích ứng mắt mãn tính và kích ứng da nghiêm trọng, kích thích đường hô hấp dẫn đến các vấn đề về nhiễm trùng phế quản.
Hóa chất độc hại này có thể tích lũy trong một hoặc nhiều cơ quan của con người, có thể gây hoại tử, gây suy giảm sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài. Trường hợp phơi nhiễm quá mức có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, trong loại axit Photphoric công nghiệp còn chứa nhiều tạp chất kim loại độc hại khác, không nằm trong danh mục thực phẩm cho phép như asen là chất độc hại cho thần kinh. Chất này sẽ tích lũy trong cơ thể lâu, gây ra nhiều bệnh khó chữa.
Một số bà nội trợ thì thích loại đường cát màu trắng tinh khiết được bày bán ở các chợ nhưng không phải màu trắng nào cũng là màu trắng chất lượng sản phẩm.
Đối với các loại đường không rõ nguồn gốc, màu trắng đó có thể do chất tẩy trắng, có thể có hóa chất làm ngọt (đường hóa học), vừa tăng thêm độ ngọt mà vừa giảm giá thành vì đường hóa học ngọt hơn đường mía khoảng 500 lần.
Đó là chưa kể, đường trôi nổi, nhập lậu, không rõ nguồn gốc sẽ không thể nào đạt tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… cùng rất nhiều quy định nghiêm ngặt khác khi phơi mưa phơi nắng, giấu vào bụi rậm lầy lội hay thả theo dòng nước đục ngầu giữa hành trình nhập lậu.
Quá trình “hô biến” đường lậu thành đường thật khi phải đổ ra - trút vào - trộn bằng máy trộn bê tông hoặc thủ công cũng làm cho đường trộn lẫn với bụi đất, vi khuẩn… cùng biết bao dị vật khác mà không ai có thể đoán được.
Khi doanh nghiệp trong nước phải chật vật đối phó với đường lậu, nông dân trồng mía lao đao vì lỗ vốn, các “ông trùm” buôn lậu với chiêu trò ma mãnh tha hồ hốt bạc. Còn vấn đề hậu quả khi sử dụng đường kém chất lượng thì người tiêu dùng phải tự gánh chịu.
Tự bảo vệ mình trước khi cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu chặn đứng đường lậu, người tiêu dùng nên chọn cho gia đình mình loại đường có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được kiểm định, … Để không vì tham chút đường rẻ mà phải nhận hậu quả thật đắt.
Nguồn: [Link nguồn]
Tổ công tác 368 phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT, Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 14 , Cục QLTT Hà Nội vừa phát hiện kho...