Đường còn tồn kho bao nhiêu?
Trao đổi riêng với NTNN hôm qua (31.10) về thông tin tồn kho 500.000 tấn đường, cả Bộ NNPTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đều lên tiếng phủ nhận khi cho rằng, đúng là tồn kho đường hiện tại vẫn ở mức cao, nhưng không đến mức kỷ lục như trên.
Còn tồn bao nhiêu?
Ông Nguyễn Bái Dương - Trưởng phòng Chế biến bảo quản nông sản - Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) khẳng định, tính đến ngày 15.10 đã có 10 nhà máy vào vụ sản xuất 2013-2014, các nhà máy đã ép được 352.000 tấn mía, sản xuất được 29.700 tấn đường. Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến nay còn 159.500 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 49.100 tấn.
Việc đường tồn kho lớn khiến doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn
Còn ông Nguyễn Hải- Tổng Thư ký VSSA cho biết, theo thống kê lượng đường tồn kho trong suốt niên vụ 2012 - 2013 đều rất cao và cao nhất là vào tháng 5.2013 với lượng tồn kho lên tới 580.000 tấn. “Vào thời điểm đó, VSSA đã có đề nghị Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu đường kể cả con đường tiểu ngạch nên lượng đường tồn kho đã giảm. Tính đến 25.10, lượng đường tồn kho thực tế chỉ còn 120.000 tấn” - ông Hải nói.
Theo Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, còn 10 ngày nữa mới vào chính vụ sản xuất mía đường 2013-2014 nhưng dự báo, lượng đường sản xuất trong nước vụ tới sẽ đạt khoảng 1,6 triệu tấn, cao hơn niên vụ 2012-2013 khoảng 500.000 tấn.
Mặt khác, lượng đường phải nhập theo cam kết WTO là 73.000 tấn, dù con số không đáng kể nhưng vẫn làm cho tiêu thụ đường gặp khó khăn vào những tháng cuối năm. Ông Võ Thành Đàng - Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi cho biết, dù còn 10 ngày nữa mới chính thức tới vụ sản xuất mía đường 2013-2014 nhưng theo dự báo công ty sẽ sản xuất được 140.000 tấn, cao hơn vụ mía đường năm 2012 -2013 khoảng 20.000 tấn. “Năm 2013, công ty chỉ sản xuất ở mức hạn chế, đạt 120.000 tấn nhưng vẫn rất khó tiêu thụ”- ông Đàng cho biết.
Theo ông Đàng, năm 2013, công ty của ông tiêu thụ trong nước chưa được 40%, còn hơn 60% xuất khẩu sang Trung Quốc.Phân tích về nguyên nhân dẫn tới 2 năm liên tiếp lượng đường tồn kho cao, ông Nguyễn Hải- Tổng Thư ký VSSA cho rằng hiện lượng đường sản xuất đã vượt một phần nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn là do lượng đường nhập lậu quá lớn. Theo thống kê chính thức của Tổ chức Đường thế giới, năm 2012, có 7 nước xuất lậu đường vào Việt Nam với tổng số 350.000 tấn, trong đó cao nhất là Thái Lan.
Ngoài ra, lượng xuất lậu đường vào Campuchia còn cao hơn, lên tới 600.000 tấn.
Bộ Công Thương không hạn chế xuất khẩu đường
Trước những khó khăn tiêu thụ đường trong nước, ông Hải cho rằng, các cơ quan chức năng đã không có quyết định hợp lý làm lỡ thời cơ tiêu thụ đường cho các doanh nghiệp (DN). “Vào nhiều thời điểm lượng đường dư thừa lớn, VSSA đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu đường cả chính ngạch và tiểu ngạch nhưng Bộ này cho rằng, hiện các DN sản xuất bánh kẹo phải tiêu thụ đường lớn đang kêu thiếu đường nên khi cân đối cung - cầu đã không cho xuất khẩu mặt hàng này.
Thực tế, các DN sản xuất bánh kẹo chỉ kêu thiếu để được nhập khẩu đường với giá rẻ chứ đường trong nước hiện luôn dư thừa. Việc chậm trễ của các cơ quan chức năng đã đánh mất cơ hội của DN sản xuất đường nên mới dẫn tới dư thừa đường liên tiếp xảy ra trong 2 năm nay”- ông Hải nhấn mạnh.
Ông Đoàn Xuân Hoà – Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thuỷ sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết: “Hiện năng lực sản xuất trong nước khoảng 1,5 triệu tấn, cao hơn nhu cầu. Chúng tôi thống kê lượng đường tiêu thụ trong lượng trung bình khoảng 1,4 triệu tấn nhưng thực chất các nhà máy chỉ bán ra được 1,2 triệu tấn, số còn lại là tiêu thụ đường nhập lậu”.
Trả lời câu hỏi trên của các DN, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: 2 Bộ Công Thương và NNPTNT đã có trao đổi để hỗ trợ DN xuất khẩu đường, giải phóng lượng đường tồn kho. Việc xuất khẩu như thế nào là do DN, chủ trương của Bộ Công Thương là không hạn chế xuất khẩu. “Đối với vấn đề xuất khẩu đường, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần khẳng định, việc xuất khẩu đường theo con đường chính ngạch (qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính) không có quy định nào cấm, hoặc phải xin giấy phép xuất khẩu, các DN được xuất khẩu theo nhu cầu và làm thủ tục tại cơ quan hải quan.
Việc xuất khẩu qua lối mòn, lối mở (đường tiểu ngạch) phải tuân theo chính sách biên mậu”- ông Hải khẳng định. Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tùy từng thời điểm diễn biến của thị trường, trên cơ sở cân đối cung - cầu trong nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ NNPTNT để có cơ chế điều hành thích hợp đối với mặt hàng đường, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mía đường. Một lãnh đạo Cục này cũng khẳng định, vấn đề không phải là cho phép xuất khẩu hay ngừng xuất khẩu mà điều quan trọng vẫn là dự báo tốt cung - cầu để đưa ra những quyết định hợp lý nhằm bình ổn giá đường trong nước.