Được khuyến cáo, thị trường vàng mã giảm nhiệt
Những ngày này, trên các tuyến phố được coi là “thủ phủ” buôn bán vàng mã của Thủ đô Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can, Hàng Lược… quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đều bày bán rất nhiều sản phẩm vàng mã phục vụ nhu cầu của người dân nhân dịp Rằm tháng 7.
Theo quan sát của chúng tôi, năm nay, các loại vàng mã có màu sắc bắt mắt, mẫu mã phong phú. Ngay khu vực đầu phố Hàng Mã, thu hút sự chú ý của khách hàng là những ngôi nhà tầng được làm cầu kỳ. Mỗi ngôi nhà tầng có giá khoảng 200.000 đồng-250.00 đồng/bộ.
Nhiều bộ quần áo với kiểu dáng mới, đủ màu sắn được bán với giá khoảng 100.000 đồng-200.000 đồng/bộ người lớn, 100.000 đồng-120.000 đồng/bộ trẻ em.
Thị trường vàng mã năm nay khá đa dạng, phong phú.
Các mặt hàng đồ gia dụng như ấm chén, bát đũa có giá 150.000 đồng/bộ, túi xách hãng hiệu các nhãn hiệu dao động từ 70.000 đồng -90.000 đồng/túi, giày dép từ 40.000 đồng-50.000 đồng/đôi. Tiền vàng mã có giá từ vài chục nghìn đến 100.000 đồng/bộ tùy loại.
Nhiều tiểu thương kinh doanh vàng mã trên phố Hàng Mã cho biết, những năm trước, ngay từ đầu tháng 7, người dân đã lên phố mua sắm đồ vàng mã tấp nập nhưng năm nay vàng mã bán chậm, người dân cũng không chi quá nhiều tiền để mua sắm vàng mã. Giá cả các loại vàng mã hầu như không tăng so với năm ngoái.
Lượng tiêu thụ vàng mã dịp Rằm tháng 7 năm nay chậm do người tiêu dùng chi ít tiền để mua vàng mã.
Chị Nguyễn Thị Vui, trú tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, Rằm tháng 7 năm nay chị chỉ mua khoảng hơn 100.000 đồng tiền mua vàng mã. “Theo tôi, hoạt động đốt vàng mã vào Rằm tháng 7 là phong tục lâu đời của người dân. Tuy nhiên, tôi không lãng phí nên chỉ mua những thứ vừa đủ như tiền vàng, bộ quần áo…”, chị Vui cho biết.
Theo các tiểu thương, về nguyên nhân vàng mã tiêu thụ chậm vào dịp Rằm tháng 7 năm nay, ngoài những ảnh hưởng như dịch bệnh kéo dài, kinh tế không tăng trưởng như mong muôn khiến người dân thắt chặt chi tiêu còn bởi việc đốt vàng mã đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, kêu gọi phải hạn chế nên thị trường vàng mã đã không còn quá sôi động.
Trước ngày Rằm tháng 7, khắp nơi trong làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) lại hối hả sản xuất đồ phục vụ cúng tế 'khổng lồ" như voi, ngựa, người...
Nguồn: [Link nguồn]