Dừng nhập thức ăn chăn nuôi 'ngậm' kháng sinh

Sự kiện: Kinh Doanh

Việc nhập khẩu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng sẽ bị dừng theo lộ trình trong năm 2017, tiến tới ngừng nhập từ đầu năm 2018.

Đó là yêu cầu Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) vừa gửi đến các đơn vị nhập khẩu để tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây “nhờn thuốc”.

Theo đó, Cục Chăn nuôi đề nghị các doanh nghiệp dừng nhập khẩu các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh kích thích sinh trưởng ngoài quy định tại Thông tư 06, năm 2016 của Bộ NN&PTNT (chỉ cho phép 15 kháng sinh) kể từ ngày 1/5/2017.

Đồng thời, các đơn vị này có trách nhiệm giám sát để đảm bảo không còn bất kỳ sản phẩm nhập khẩu nào ngoài quy định Thông tư số 06 do đơn vị nhập khẩu trước đó còn lưu thông trên thị trường sau ngày 30/6/2017.

Theo lộ trình trên, doanh nghiệp sẽ ngừng nhập tất cả các sản phẩm chứ kháng sinh kích thích sinh trưởng kể từ ngày 1/10/2017 và đảm bảo không còn loại sản phẩm trên do đơn vị nhập khẩu trước đó còn lưu thông trên thị trường kể từ 1/1/2018.

Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp báo cáo tình hình nhập khẩu và tiêu thụ lô hàng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhập khẩu trước đó; kế hoạch tiêu thụ số lượng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh đăng ký nhập khẩu, khi đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh kể từ ngày 10/4/2017.

Theo Cục Chăn nuôi, việc đưa ra các giải pháp trên nhằm thực hiện lộ trình hạn chế, tiến đến không sử dụng kháng sinh kích thích sinh trưởng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm kể từ ngày 1/1/2018 theo quy định định tại Thông tư 06.

Lâu nay, vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, gây tồn dư trong thực phẩm, nhất là lo ngại “nhờn thuốc” trong điều trị bệnh, rất đáng lo ngại.

Đến nay, việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng nhiều nước trên thế giới đã cấm, như châu Âu cấm từ năm 2006 (vẫn dùng kháng sinh phòng và trị bệnh, theo đơn do bác sĩ thú y). Tương tự, ở Nhật cũng bỏ từ năm 2009, Hàn Quốc năm 2010, Thái Lan từ tháng 7/2015…

Ngoài ra, có hiện hiện tượng người chăn nuôi dùng kháng sinh không đúng thời gian cách ly trước khi giết mổ, thậm chí còn sử dụng kháng sinh ngoài danh mục, cấm sử dụng vào thứ ăn chăn nuôi, khiến việc quản lý còn phức tạp, khó khăn hơn.

Trong khi đó, theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2016, qua thanh tra 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh (chiếm khoảng 70% kháng sinh được nhập) mục đích thương mại và sản xuất thuốc thú y cho thấy, 5 công ty có vi phạm bán sai đối tượng (chủ yếu mục đích thương mại).

Khoảng 16% số nguyên liệu kháng sinh do các công ty nhập khẩu bị bán sai đối tượng, sai mục đích. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các công ty thương mại, tỷ lệ vi phạm là 22%.

Qua thanh tra cho thấy, các công ty được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cấp phép kinh doanh nguyên liệu kháng sinh, mua kháng sinh của các công ty nhập khẩu, bán trái phép cho các đối tượng sử dụng trực tiếp, đặc biệt là bán cho người nuôi trồng thủy sản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN