Dưa hấu thối rữa sau mưa lũ, nông dân đành cho bò ăn
Sau hoàn lưu cơn bão số 3, mưa lớn liên tục kéo dài khiến những cánh đồng trồng dưa hấu của người dân xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) chìm trong biển nước. Đến khi nước rút, toàn bộ diện tích hơn 40 ha dưa hấu gần đến ngày thu hoạch bắt đầu thối rứa, hư hỏng hoàn toàn.
Sáng ngày 22.7, sau những trận mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, hàng trăm hộ dân ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) tất bật hối hả ra thăm cánh đồng dưa hấu của mình. Tuy nhiên, hàng trăm tấn dưa hấu sắp đến ngày thu hoạch đã thối rữa khiến ai cũng xót xa.
Hàng trăm tấn dưa hấu thối rữa ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu (Nghệ An) bị bỏ mặc ở ruộng khiến ai nhìn cũng xót xa. Ảnh: Cảnh Thắng
Đang cố gắng lựa chọn những quả dưa chưa bị thối rữa ngay trên mảnh ruộng của mình đã dày công chăm sóc, ông Hồ Công Đức, trú xã Diễn Thành cho hay: "Mùa dưa hấu năm nay, gia đình đầu tư trồng hơn 4 sào dưa hấu, chuẩn bị đến ngày thu hoạch và đã có thương lái đến đặt mua nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ mà cả 4 sào dưa của gia đình tôi bị ngập chìm trong nước mấy ngày liền nên dưa bị hư hỏng gần hết. Quả chưa hư chỉ tính trên đầu ngón tay. Vụ mùa này coi như thất bại, chắc đưa về cho bò nhà ăn thôi...".
Tan hoang cánh đồng dưa hấu sau bão số 3. Ảnh: Cảnh Thắng
“Từ đầu năm đến nay gia đình tôi chỉ trông chờ vào mấy sào dưa này, dự tính trừ mọi chi phí cũng kiếm được mấy chục triệu nhưng giờ thì mất trắng rồi...", ông Đức xót xa cho hay.
Cũng giống như gia đình ông Đức, bà Trần Thị Mai ở xã Diễn Thành cũng lăn lộn ở ngoài ruộng từ sáng sớm mong nhặt được những quả dưa còn nguyên vẹn để chiều đưa ra chợ bán bù đắp lại một phần kinh phí. Bà tâm sự: "Khi nghe tin cơn bão số 3 vào Nghệ An mà hướng trực tiếp vào các huyện ven biển, tôi và mấy đứa con ra ruộng để khơi thông cống rãnh tránh để dưa ngập nước nhưng cũng không ăn thua. Mưa quá lớn và kéo dài khiến cả cánh đồng dưa chìm trong biển nước. Khi chúng tôi ra để cứu ruộng dưa thì hơn nửa diện tích quả đã bị hư hỏng rồi...".
Ông Hồ Công Đức, trú xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu xót xa khi 4 sào dưa hấu của gia đình mình thối rữa trên đồng ruộng. Ảnh: Cảnh Thắng
"Từ hôm qua đến nay, dù mưa vẫn nặng hạt nhưng cả gia đình tôi ra ruộng để cứu dưa, nhưng cứu có được mấy đâu. Do quả dưa còn non, lại thiếu nắng, ngâm nước nhiều nên rất khó bán. Nếu trước mưa giá 6.000 đồng/kg thì nay chúng tôi đem ra chợ bán 2.000 đồng/kg mà cũng khó”, bà Mai buồn bã cho hay.
Tiếc vì hàng trăm tấn dưa đến ngày thu hoạch bị thối rữa, hư hỏng do bão lũ. Nhiều người dân trong xã Diễn Thành ra ruộng nhặt những quả dưa còn chưa bị thối nát đem về chặt nhỏ để làm thức ăn cho bò, trâu ăn.
Bà Trần Thị Mai ở xã Diễn Thành đàu xót khi cánh đồng dưa của mình sắp đến ngày thu hoạch phải cắt cho bò ăn. Ảnh: Cảnh Thắng
Tuy nhiên, lượng dưa quá lớn nên bò ăn không xuể, số dưa còn lại chủ yếu được người dân bỏ mặc thối rữa dần trên ruộng hoặc đem chất đống bên bờ ruộng.
“Không biết làm sao để vớt vát được bởi khi nước bắt đầu dâng thì dưa chưa đủ chín để thu hoạch. Tiếc quá, chỉ cần nắng thêm 2, 3 ngày nữa thì có thể thu hoạch được rồi”, anh Mão (trú xã Diễn Thành) xót xa nói.
Theo người dân địa phương, năm nay dưa hấu được mùa, giá cũng khá ổn định từ đầu năm đến nay. Với giá bán tại ruộng từ 5.500 đồng – 6.000 đồng/kg như thời điểm trước mưa bão, mỗi sào dưa hấu có thể cho thu nhập từ 9 – 10 triệu đồng.
Nhìn những quả dưa hấu sắp sửa đến ngày thu hoạch thối rữa trên ruộng ai nhìn cũng không khỏi xót xa. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết: "Hơn một tuần qua, do mưa lớn kéo dài gây ngập nặng đã khiến 40ha diện tích trồng dưa hấu của người dân trên địa bàn bị hư hỏng hoàn toàn. Không chỉ có diện tích trồng dưa hấu mà nhiều diện tích dưa lê, vừng, ngô của người dân xã này cũng bị ảnh hưởng nặng nề do đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua".
"Hiện tại thiệt hại của bà con chúng tôi chưa thể thống kê được, chúng tôi đang thông báo cho bà con thống kê diện tích trồng hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại để báo cáo lên huyện. Nếu tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 thì căn cứ vào đó tiến hành bồi thường cho người dân", bà Tâm cho biết thêm.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến sáng ngày 22.7 trên địa bàn có 1 người bị thương, 300 nhà dân đang bị ngập, 17 nhà dân phải di dời khẩn cấp, gần 150 nhà bị sập, cuốn trôi, sạt lở. Có 14 điểm trường bị ảnh hưởng, đặc biệt 5 phòng ký túc xá của trường Tiểu học Mường Ải (huyện Kỳ Sơn) bị nước lũ đánh sập, sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các phòng học khác...Mưa lớn khiến nước lũ dâng cao làm cho 28.388,4 ha lúa và 7.571,3 ha ngô, rau màu bị ngập; 1.707,3 ha cây trồng hàng năm và 3.241 ha diện tích thủy sản bị ngập, ảnh hưởng; 16 lồng bè nuôi cá bị cuốn trôi. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 630 tỉ đồng.