Đưa hàng quê vào siêu thị
Hôm nay, 7-11, Sở Công Thương TP HCM kết hợp Sở Công Thương 20 tỉnh, thành miền Đông - Tây Nam Bộ tổ chức chương trình “Kết nối hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ”.
Phóng viên: TP HCM và 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ đã ký kết chương trình hợp tác thương mại, nay lại tổ chức thêm chương trình này thì liệu có chồng chéo?
- Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), HTX, làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng trong nước có điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng vào hệ thống phân phối, chương trình hướng đến mục tiêu kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối. Ngoài ra, thông qua chương trình, Sở Công Thương các địa phương lắng nghe ý kiến của nhà sản xuất cũng như hệ thống phân phối, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa DN sản xuất với hệ thống phân phối.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM
Đây là chương trình nhánh của chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM và 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2015 nhằm phát huy kết quả của chương trình hợp tác thương mại giữa các địa phương.
Gọi là chương trình kết nối hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ, vậy sự kết nối này được thực hiện ra sao, thưa bà?
- Chương trình chủ yếu trưng bày hàng nông sản thực phẩm, thực phẩm tươi sống, đặc sản chất lượng cao của các tỉnh, thành. Chiếm đa số trong đó là các sản phẩm VietGAP. Phát huy hiệu ứng tốt từ chương trình kết nối lần đầu được tổ chức năm 2012, năm nay, Sở Công Thương của 21 tỉnh, thành (13 ở miền Tây, 8 ở miền Đông) đăng ký tham gia. Ngoài ra, 10 DN miền Bắc và một số hệ thống phân phối phía Bắc cũng đăng ký. Tổng cộng có trên 400 đơn vị bao gồm DN, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và hệ thống phân phối hiện đại, chợ truyền thống... đăng ký tham gia. Có khoảng 70 gian hàng hoàn toàn miễn phí cho DN trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tùy theo số lượng DN tham gia, mỗi địa phương sẽ được bố trí gian hàng phù hợp. Riêng TP HCM có 13 gian hàng của gần 50 DN.
Thông qua chương trình kết nối năm 2012, sản phẩm kẹo dừa Bến Tre đã có mặt tại nhiều siêu thị ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Rút kinh nghiệm từ năm 2012, các DN khi đến tham dự chương trình mới gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu thông tin, năm nay, các Sở Công Thương gửi danh sách DN tham gia trước 10 ngày. Ban tổ chức đã tổng hợp danh sách DN tham gia, số điện thoại liên lạc của giám đốc DN, sản phẩm của DN và chuyển tất cả danh sách này đến các hệ thống phân phối. Bước đầu, các hệ thống phân phối đã tìm hiểu, nghiên cứu và chọn những mặt hàng có khả năng tiêu thụ được trong hệ thống. Sáng 7-11, tại Hội trường Đông Hồ (quận 10, TP HCM), nhà phân phối chỉ việc xem xét, kiểm tra trực tiếp các mặt hàng này trước khi ký kết các hợp đồng hợp tác. Tính đến ngày 6-11, đã có gần 80 mặt hàng của DN các địa phương được các nhà phân phối chọn lựa.
Thực tiễn cho thấy đưa hàng vào siêu thị và trụ được là một quãng đường rất dài. Sau chương trình này, ban tổ chức có giải pháp gì để hỗ trợ DN bán hàng vào siêu thị?
- Hội nghị kết nối chỉ là bước đầu, bước quan trọng kế tiếp là làm sao hàng hóa của DN tồn tại và phát triển được ở kênh phân phối hiện đại. Vì vậy, sau hội nghị kết nối, Sở Công Thương TP HCM cùng các địa phương sẽ tiếp tục triển khai những chương trình hành động, xúc tiến giao lưu thương mại và hỗ trợ tối đa để DN đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối. Ngoài ra, các hệ thống phân phối TP HCM luôn hướng dẫn, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã. Bằng chứng là qua chương trình kết nối năm 2012, một số DN đã phát triển rất tốt kênh phân phối siêu thị như kẹo dừa Bến Tre, bột gạo Bích Chi, rượu Hồng Sen Tửu (Đồng Tháp)...
Sắp tới, Sở Công Thương TP HCM sẽ phối hợp với Liên hiệp HTX Thương mại TP - Saigon Co.op tổ chức thí điểm hội thảo về các điều kiện giúp hàng Việt tồn tại và phát triển ở hệ thống phân phối hiện đại.
Đi vào chiều sâu Nhận thấy rõ hiệu quả của chương trình, TP HCM và các tỉnh liên kết chặt chẽ để đưa chương trình đi vào chiều sâu. Không chỉ TP HCM mà các tỉnh sẽ luân phiên tổ chức chương trình kết nối cung cầu hàng hóa. Bên cạnh đó, để chương trình phát triển, Sở Công Thương các tỉnh đã tạo điều kiện cho hệ thống phân phối TP HCM phát triển tại các tỉnh. Ngược lại, hệ thống phân phối về tỉnh ưu tiên thu mua sản phẩm của tỉnh đó, thực hiện bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ở siêu thị tại tỉnh đó và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. |