Đưa giết mổ gia cầm vào quy củ
Là cơ sở giết mổ gia cầm tập trung lớn nhất trên địa bàn quận Cái Răng, cơ sở Ngọc Xuân (phường Thường Thạnh) đang được coi là hình mẫu trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) của TP.Cần Thơ.
Quy hoạch lại giết mổ
Theo đánh giá, hiện TP.Cần Thơ là một trong những địa phương có công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm chặt chẽ nhất cả nước. Tuy chưa có quy hoạch tổng thể về xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hầu hết các cơ sở đã tự di dời ra xa trung tâm thành phố.
Đến cuối năm 2011, theo báo cáo của Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm và Đại dịch, thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), TP.Cần Thơ có 12 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Song mới chỉ có các quận trên địa bàn thành phố tách riêng được các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, còn ở các huyện, việc giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn được thực hiện chung ở một cơ sở.
TP. Cần Thơ đang xây dựng các cơ sở giết mổ sạch để đảm bảo vệ sinh ATTP.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - chủ cơ sở giết mổ Ngọc Xuân cho biết: “Lò mổ đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ cuối năm 2006 theo mô hình hợp tác xã. Song đúng là mô hình trước đây có nhiều hạn chế, nhất là nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh ATTP tại lò mổ từ cơ sở vật chất, dụng cụ trang thiết bị, nhà xưởng, hệ thống cấp thoát nước… Vì thế, việc nâng cấp là rất cần thiết trong bối cảnh, nhu cầu thị trường cần tiêu dùng nhiều thực phẩm sạch hiện nay”.
Sau khi nâng cấp, hiện Ngọc Xuân là cơ sở giết mổ gia cầm lớn nhất Cần Thơ với 21 chủ hộ (chia thành các lô riêng), hàng ngày cung ứng khoảng 30-40% nhu cầu thịt gia cầm cho thành phố với số lượng gần 4.000 con gia cầm. Theo ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ, cơ sở Ngọc Xuân được nâng cấp là mô hình giúp đưa ra các thực hành tiêu chuẩn theo Thông tư 61 về vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ, do đó có thể nhân rộng ra các cơ sở khác trong thành phố và các tỉnh lân cận.
Kiểm soát từ khâu buôn bán, giết mổ
Hiện nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm của TP. Cần Thơ rất lớn với nhiều nguồn gia súc, gia cầm ở các tỉnh lân cận đưa về. Ông Lưu Phước Hậu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP. Cần Thơ cho biết: “Nguồn cung cấp gia cầm tùy theo đối tượng và chủng loại khác nhau được cung cấp từ nhiều tỉnh. Đối với gà công nghiệp chủ yếu nhập từ Sóc Trăng, Vĩnh Long, Hậu Giang… Gà ta nhập từ Bến Tre, Long An, Bình Dương… Chính vì thế, chúng tôi rất quan tâm đến việc quản lý công tác vận chuyển, giết mổ.
Theo thống kê của Chi cục Thú y TP.Cần Thơ, hàng tháng, đội kiểm soát lưu động vẫn tiến hành tiêu hủy từ 300- 400 con gia cầm, xử phạt hành chính từ 30- 40 triệu đồng vì vi phạm các quy định về vệ sinh ATTP. “Riêng việc kiểm soát giết mổ ở các cơ sở, Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cũng đã hợp đồng thêm và bố trí 67 cán bộ phụ trách kiểm dịch, tại các chợ kinh doanh các sản phẩm gia cầm, gia súc, Chi cục Thú y hợp đồng với hàng trăm nhân viên thú y có trình độ chuyên môn để thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh thú y”- ông Hậu cho biết thêm.
Bộ NNPTNT vừa có chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiếp tục kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm loại C (không đạt) để chấn chỉnh. Theo Bộ NNPTNT, số cơ sở được kiểm tra đánh giá lần đầu xếp loại C còn cao; trong đó số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm loại C chiếm đến 78,3%, sản xuất kinh doanh thuốc thú y 41,5%. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cần tiếp tục tái kiểm tra các cơ sở loại C và xử lý nghiêm trong thời gian tới. Phi Long |