Đua giảm giá, 'thượng đế' vẫn thờ ơ

Mùa này, dọc theo các con đường từ nội thị đến ngoại thành, từ cửa hàng ven đường tới những cửa hàng sang trọng tại các trung tâm mua sắm, đi đâu cũng gặp những bảng hiệu với tinh thần: “tiếp sức mùa giảm giá”, “thỏa sức mua, đua sức sắm”… Nhưng thực tế bán buôn tại các nơi lại cho thấy cả người bán lẫn người mua đều đang… đuối!

Chạy đua khuyến mãi

Vừa thấy chúng tôi đến gần khu trưng bày hàng giảm giá 50% của nhãn hàng túi xách cao cấp Coach tại Diamond Plaza, TPHCM, nhân viên của quầy lập tức niềm nở chào đón: “Chị coi đi, mấy mẫu này rất đẹp mà lại giảm tới 50%, hiếm có đó chị. Nếu chị không thích thì bên kia có những mẫu túi sang hơn, giảm 30%”. Với dòng túi xách cao cấp có giá mười mấy, hai chục triệu đồng/cái này, trước đây, những khách hàng ăn mặc bình dân như tôi ít khi trở thành đối tượng được nhân viên chào hàng nồng nhiệt. Thế nhưng bây giờ tình thế có vẻ đã thay đổi khi khách đến trung tâm ngày một thưa vắng. Cùng ghé xem với chúng tôi là 2 bà khách nước ngoài. Sau một hồi đắn đo, 2 bà nhún vai bỏ đi. 2 cô nhân viên bán hàng buồn bã xếp lại túi lên kệ trưng bày, than: “Hồi trước, hàng này mà giảm đến 50% là khách mua đông lắm, giờ sao người tới coi cũng ít”.

Tại trung tâm Parkson trên đường Lê Thánh Tôn, khu vực trưng bày hàng hiệu thời trang cao cấp dành cho nam luôn trong tình trạng ế ẩm. Lee In Kum - chàng trai người Việt gốc Hàn, là nhân viên bán hàng ở đây đang ngồi thụp xuống đất bấm điện thoại giết thời gian. Anh cho biết: “Mỗi ca kéo dài 7 tiếng mà nhiều khi không bán được sản phẩm nào. Trung tâm mở cửa bán hàng buổi sáng nhưng có khi tới chiều, tối mới có người tới mua mở hàng”. Theo thông tin của các nhân viên bán hàng ở đây, trừ một số ít nhãn hàng có giá mềm - là hàng Việt Nam như N&M, Ninomaxx, các gian hàng bán đồ hiệu nước ngoài đều từng có lúc lâm vào cảnh cả ngày chẳng bán được sản phẩm nào.

Khác với mọi năm, mùa giảm giá thường chỉ tập trung theo đợt - nói cách khác là giảm giá luôn có cớ. Sau tết chỉ có giảm giá dịp lễ Tình nhân, ngày 8-3, lễ 30-4, 1-5. Năm nay, qua lễ rồi, các cửa hàng vẫn trương bảng giảm giá hoành tráng để kéo khách mà không cần cơn cớ. Vừa hết đợt khuyến mãi này, nhân viên bán hàng lại lật đật treo bảng giảm giá đợt khác theo kiểu gối đầu liên tiếp. Nhãn hàng kim cương Lucky Star là một ví dụ. Trước lễ, cửa hàng treo bảng giảm giá 50% cho tới 2-5. Hết 2-5, cửa hàng sửa lại ngày: giảm từ 2-5 đến 6-5. Thế nhưng ngày 7-5, khi chúng tôi quay lại khu trưng bày sản phẩm của công ty ở trung tâm thương mại Now Zone thì bảng giảm giá 50% vẫn còn nằm trong tủ trưng bày trang sức. Tuy vậy, không khí mua bán vẫn nguội lạnh.

Thượng đế thờ ơ

“Jean 99.000, áo thun 50.000, sơ mi 99.000 đồng” – nội dung giảm giá hấp dẫn được dán to ở tấm kiếng vẫn không khiến cửa hàng The Blues (107B đường Gò Dầu, phường Tân Quý quận Tân Phú) đông khách. Ngày cuối tuần mà cửa hàng chỉ lèo tèo vài người khách vào xem hàng. Tuy nhiên, phần lớn quần áo trưng bày trong cửa hàng được bán với giá không rẻ như giá quảng cáo trên tấm kiếng.

Tần ngần cầm chiếc áo đầm khá dễ thương trên tay, cuối cùng chị Trần Lê Thanh Tâm, nhà ở phường Tân Quý quận Tân Phú) đành để lại vào chỗ cũ vì giá chiếc áo 280.000 đồng, chiếm một phần không nhỏ trong khoản tiền lương của chị. Chiếc quần jean chị vừa ý thì lại có giá hơn 300.000 đồng. Sau một hồi tìm kiếm trên 3 chiếc kệ chứa hàng giảm giá, chị mua được 2 chiếc áo (mỗi áo 50.000 đồng) và 1 chiếc quần jean giá 120.000 đồng. Chị tặc lưỡi: “Thời buổi bây giờ không cầu ăn ngon mặc đẹp nữa, chỉ cần ăn no mặc ấm là được. Lâu rồi không sắm sửa, hôm nay vừa lãnh lương nên tôi mới dám “tự thưởng” cho mình như vậy, dù là mua giá rẻ. Nói vậy chứ 2 cái áo với 1 cái quần này cũng bằng tiền chợ mấy ngày của gia đình tôi rồi”.

Đua giảm giá, 'thượng đế' vẫn thờ ơ - 1

Hàng giảm giá tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi

Không khí mua bán vắng vẻ cũng tương tự ở cửa hàng bán quần áo, giày thể thao tại số 412 Lê Văn Sỹ phường 2 quận Tân Bình, dù trước cửa hàng là băng rôn giảm giá đến 40% từ 2-5 đến 8-5-2012. Chúng tôi là người khách duy nhất bước vào cửa hàng. Nhưng hy vọng mua được hàng giảm giá tan biến khi cô nhân viên bán hàng cho biết nếu mua 2 sản phẩm trở lên thì 1 sản phẩm (có giá thấp nhất) mới được giảm.

Việc các cửa hàng treo băng rôn quảng cáo giảm giá hấp dẫn nhưng thực tế không như vậy cũng là một trong những nguyên nhân khiến cửa hàng vắng khách. Chạy ngang cửa hàng Giày Hồng (140 Trương Vĩnh Ký phường Tân Sơn Nhì quận Tân Phú), đọc băng rôn “Nhân dịp sinh nhật Giày Hồng 3 tuổi giảm giá hấp dẫn 20% - 30% - 40%”, chúng tôi quyết định vào xem. Đứng bên cạnh chúng tôi, một phụ nữ chọn đôi giày bata cho cô con gái với giá 365.000 đồng. Tuy nhiên, cô nhân viên bán hàng cho biết đôi bata này chỉ được giảm giá 10%.

Khi người phụ nữ thắc mắc vì sao không giảm giá như quảng cáo trên băng rôn, nhân viên giải thích: “Băng rôn đó đã cũ nhưng vì treo cao quá nên chưa có người tháo xuống (!), với lại mức giảm trên chỉ áp dụng đối với xăng đan. Thôi thì tụi em giảm thêm cho chị, còn 285.000 đồng”. Người phụ nữ trả giá xuống 250.000 đồng nhưng không được nên chở con gái đi. Tôi cũng để lại đôi giày đang cầm trên tay lên kệ rồi cáo từ, vì biết mức giảm giá hấp dẫn ghi ở ngoài cửa hàng chỉ để dụ khách mà thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ái Chân - Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN