Đủ dịch vụ ăn theo mùa vải thiều: "Lái mồm" cũng kiếm bộn tiền
Nhờ các nghề "ăn theo" mùa vải thiều, nhiều nông dân ở trong và ngoài huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) kiếm cả chục triệu đồng/vụ, trong số đó có hộ kiếm được hàng chục tỷ đồng nhờ nghề làm đá cây và thùng xốp.
Vào những ngày thu hoạch vải, nghề bốc vác, cân vải lên ngôi, người làm nghề này có thu nhập khá tốt.
"Lái mồm" cũng ăn đậm
Thời điểm này, cơ sở thu mua vải của bà Nguyễn Thị Hoài ở huyện Lục Ngạn hoạt động liên tục từ sáng sớm đến 7h tối để thu mua vải đưa đi Sài Gòn. Bà Hoài cho biết, hiện trung bình mỗi ngày đơn vị của bà thuê hàng chục lao động lo công việc thu mua, đóng hàng.
"Tùy theo công việc mà lao động có mức thu nhập tương xứng, trung bình mỗi người có mức công từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng/ngày. Dự kiến sắp tới vào mùa, đơn vị của tôi có thể sẽ thuê thêm nhân công giúp việc mua, bán lên đến hàng chục người mới đủ đáp ứng được nhu cầu bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm", bà Hoài nói.
Nghề phân loại, làm hàng vải cũng có thu nhập từ trên 250.000 đồng/ngày/người. "Công việc của chúng tôi khá nhàn, chỉ việc nhận hàng, kiểm tra chất lượng vải, nếu quả nào thối hỏng bỏ đi sau đó đóng hàng vào thùng, trung bình ngày làm 8 giờ, nếu làm tăng ca thì chủ sẽ trả thêm tiền công", chị Hương, một công nhân làm việc tại cơ sở thu mua vải của bà Nguyễn Thị Hoài ở phố Kim (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) nói.
Bên cạnh việc thu mua đưa hàng đi tiêu thụ trong Sài Gòn, gia đình bà Hoài cũng đang thuê hơn 30 công nhân chuyên lo việc sản xuất thùng xốp để cung cấp cho khách đóng hàng và dự trữ dùng cho vụ vải chính vụ sắp tới.
"Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất ra hàng chục vạn thùng xốp nhưng cũng không đủ để cung cấp cho khách. Dù khi vào vụ, mặt hàng thùng xốp, đá cây cũng được lái buôn đưa từ các địa phương khác đến Lục Ngạn nhưng trước áp lực của sản lượng vải thiều lớn thì rất có khả năng sẽ cháy hàng thùng xốp và đá cây", bà Hoài nói.
Cùng huyện với cơ sở của bà Hoài, cơ sở sản xuất đá cây Cường Ngân (đá ướp lạnh cho vải thiều) của bà Trần Thị Ngân cũng đang hoạt động liên tục 24/24 để đảm bảo có đủ sản phẩm phục vụ công tác hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Bà Ngân cho biết, là một trong những cơ sở sản xuất đá cây lớn nhất tỉnh Bắc Giang, hiện trung bình mỗi ngày đơn vị của bà làm ra trên 5.000 cây đá, các cây đá này sẽ được các xe tải chở đưa đi tiêu thụ khắp Lục Ngạn.Ngoài việc sản xuất, cơ sở của bà Ngân còn có kho dự trữ đá với số lượng lên đến hàng chục vạn cây.
Tại cơ sở thu mua vải của bà Nguyễn Thị Hoài ở phố Kim (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) vào những ngày này luôn có hàng chục công nhân làm việc.
Theo ông Minh, chủ một cơ sở sản xuất thùng xốp, đá cây trên địa bàn huyện Lục Ngạn, trung bình mỗi vụ vải cơ sở của ông sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm vạn cây đá và thùng xốp với giá trung bình từ 25.000 đồng đến trên dưới 40.000 đồng/cây đá, 17.000 - 35.000 đồng/thùng xốp, tùy thời điểm. "Trừ mọi chi phí, vợ chồng tôi cũng bỏ túi cả chục tỷ đồng", ông Minh tiết lộ.
Vào thời điểm này, trung bình mỗi một cửu vạn vải ở Lục Ngạn có thu nhập từ 700.000 đồng đến trên 1 triệu đồng.
"Năm nay vải thiều được mùa, dù giá vải quả có rẻ hơn nhưng không những không ảnh hưởng đến giá mặt hàng đá cây, thùng xốp mà ngược lại việc tiêu thụ sản phẩm càng dễ dàng hơn. Thời điểm này có cơ sở đã mua dự trữ hàng chục vạn thùng xốp, đá cây để chuẩn bị tung ra bán với giá cao vào đúng vụ vải sắp tới", ông Minh chia sẻ.
Ông Phạm Văn Thương được biết đến là một tay "lái mồm" nổi danh ở Lục Ngạn từ lâu nay. Công việc của ông Thương khá đơn giản, hàng ngày vị lái buôn này chỉ việc ngồi ở nhà hoặc đến quán cà phê chờ các cuộc điện thoại từ các lái buôn, chủ cơ sở sản xuất thùng xốp, đá cây gọi hàng là ông Thương điều hàng ngay chỉ sau một vài cuộc điện thoại ngắn.
Anh Nam, một cửu vạn vải lâu năm ở Lục Ngạn cho biết, nghề này chỉ kéo dài khoảng 1 - 2 tháng nên anh em chúng tôi cũng cố tận dụng thời gian để làm kiếm thu nhập lo trang trải cuộc sống gia đình.
"Khi vào vụ vải, tùy theo ngày, có ngày tôi tiêu thụ được cả hàng vạn thùng xốp và đá cây, tính ra có một khoản thu nhập khá lớn", ông Thương tiết lộ.
Cửu vạn vải có thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày
Không có thu nhập cao như nghề sản xuất mặt hàng "ăn theo" mùa vải như các chủ cơ sở ở Lục Ngạn nhưng đội cửu vạn của anh Hoàng Phương Thức cũng có nguồn thu lớn từ các công việc tại các cơ sở thu mua vải ở "thủ phủ" vải thiều này.
Vào những ngày này, hàng chục công nhân tại cơ sở sản xuất đá cây Cường Ngân ở huyện Lục Ngạn phải làm việc hết công suất để có đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Anh Thức cho biết, trung bình mỗi ngày các thành viên trong đội cửu vạn của anh bốc vác, vận chuyển được hàng chục tấn vải, tính ra mỗi tấn vải được các chủ cơ sở ở đây trả giá từ 400.000 - 600.000/tấn, tùy thời điểm. Mỗi thành viên của đội có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày.
"So với các nghề khác, nghề này khá vất vả và phải làm liên tục nhưng được cái thu nhập cao nên anh em chúng tôi cũng có hứng và rất hăng hái làm", anh Thức chia sẻ.
Công nhân làm đá tại cơ sở sản xuất đá cây Cường Ngân ở Lục Ngạn có thu nhập trên dưới 300.000 đồng/ngày, tùy thời điểm.
Yêu cầu các cơ sở sản xuất niêm yết giá sản phẩm rõ ràng Ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, hiện việc thu hoạch vải sớm (vải u hồng, trứng, Thanh Hà) của nông dân trên địa bàn huyện vẫn đang được tiếp tục, trung bình mỗi ngày người dân thu hoạch khoảng trên dưới 2.000 tấn và thời gian thu hoạch loại vải này sẽ còn kéo dài khoảng 10 ngày nữa. Theo ông Hoàn, năm nay thời tiết ủng hộ, vải trồng tại huyện được mùa nên sản lượng và chất lượng cũng tăng cao hơn so với mọi năm. Theo đó sản lượng vải sớm ước đạt khoảng 13.000 tấn và vải chính vụ khoảng trên 70.000 tấn. Ông Hoàn cho hay: Để chuẩn bị cho vụ thu hoạch vải thiều chính vụ sắp tới, các cơ sở sản xuất thùng xốp và đá cây đã và đang hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường. Tính đến nay đã có 64 cơ sở sản xuất thùng xốp và đá cây, trong đó các cơ sở sản xuất thùng xốp đã làm ra được khoảng 3,6 triệu thùng và đối với mặt hàng đá cây đến nay cũng đã có 52 cơ sở sản xuất được gần 500.000 cây. Trong các ngày tới, họ sẽ tiếp tục sản xuất tiếp và hứa hẹn sẽ đảm bảo đủ hàng để cung cấp cho các đơn vị thu mua, đóng hàng vải thiều xuất khẩu trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó huyện cũng yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng trên phải niêm yết giá rõ ràng và cam kết không tự ý nâng giá sản phẩm, tránh việc nâng giá, đẩy giá lên cao làm ảnh hưởng đến thị trường". |
Họ và tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi theo nguyện vọng cá nhân.