Đủ chiêu biến hàng tồn kho thành tiền
Hàng tồn kho gia tăng đồng nghĩa với tình trạng đọng vốn vào hàng hoá, và doanh nghiệp không có tiền mặt để xoay trở. Doanh nghiệp đang tìm mọi cách biến hàng tồn kho thành tiền.
Một ngày gần đây, trụ sở công ty dịch vụ tổ chức sự kiện và truyền thông MM ở quận 2 chất đầy bánh kẹo. Nhân viên công ty tất bật tiếp thị hàng. Mọi người cứ nghĩ MM nhận được sô quảng bá sản phẩm lớn. Nhưng không!
Ép chủ nợ lấy hàng
Bà Lê Thị Thuý, giám đốc công ty MM cho biết, sau cả chục lần hẹn tới lui mà vẫn không lấy được tiền, cuối cùng công ty đành chọn giải pháp nhận ba xe tải bánh kẹo và snack trị giá 120 triệu đồng từ một tập đoàn lớn, thay cho 100 triệu đồng tiền mặt mà lẽ ra họ phải trả.
Bà Thuý nói: “Tôi chưa bao giờ ngờ đến chuyện tập đoàn có thương hiệu lớn vậy mà không thanh toán được 100 triệu đồng”. Và bà phải chấp nhận lấy bánh kẹo thay tiền, vì không biết đến lúc nào khách hàng mới có tiền thanh toán, trong khi MM đang rất cần tiền để trả lương nhân viên, cũng như các dịch vụ thuê ngoài. Chở hàng về, bà dùng toàn bộ mặt bằng văn phòng để chất hàng. Huy động toàn bộ nhân viên mang sản phẩm bán sỉ và lẻ trên nhiều phương tiện khác nhau từ siêu thị, cửa hàng tạp hoá đến rao bán trên mạng…
Cuối cùng, dù số tiền thu lại từ bán bánh kẹo chỉ được 65 triệu đồng, nhưng bà Thuý cho biết: cảm thấy hài lòng vì không bị tồn đọng nợ.
Hàng tồn kho tăng cao khiến vòng quay tiền chậm là nguyên nhân khiến tập đoàn kể trên buộc phải dùng hàng trả nợ thay tiền. Trong giao dịch trên, có thể thấy cả đôi bên đều... có hại. Bên thanh toán phải giao số hàng giá trị lớn hơn số tiền phải thanh toán, trong khi bên nhận thanh toán chỉ thu hồi được số tiền ít hơn so hợp đồng...
Tình trạng cố “tống khứ” hàng tồn có thể thấy rõ khi đi dọc các con đường buôn bán sầm uất như Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ, Cách Mạng Tháng Tám… Cửa hàng nào cũng có kệ hay rổ hàng giá rẻ để trước cửa, đi kèm với băngrôn khuyến mãi giảm giá 50%, 70%, giá cực rẻ… Vào bất cứ siêu thị nào thời điểm này cũng luôn có từ 2.000 – 3.000 mặt hàng khuyến mãi giảm giá, bán hàng kèm quà tặng…
Dễ dàng tìm thấy hàng tồn kho bày bán trên đường phố (ảnh chỉ có tính minh hoạ)
Tồn kho dư bán đến cuối năm
Bà Đặng Quỳnh Đoan, tổng giám đốc công ty thời trang Việt Thy, đã đưa ra so sánh: sức mua quần áo may sẵn hiện nay yếu hơn khoảng 20 – 30% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính, hàng tồn kho chiếm tỷ lệ khoảng 50 – 70% tổng lượng hàng bán ra.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc nội địa cũng đồng ý kiến với bà Đoan. Họ cho biết lượng hàng tồn ở các shop hiện nay có thể đủ bán cho đến cuối năm, và nếu sức mua cứ chậm như hiện nay thì bán đến sang năm vẫn chưa hết hàng. Tuy nhiên, hàng càng cũ càng khó bán, nên các công ty đều chọn giải pháp vẫn sản xuất mới nhưng giảm sản lượng, giảm giá tối đa hàng cũ để dọn kho trống chứa hàng, thu hồi vốn tồn đọng…
Theo tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tính đến tháng 4.2012 đã tăng hơn 32% so với cùng kỳ, do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho sản xuất và tiêu dùng trong dân cư giảm… Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng gần 102%; chế biến và bảo quản rau quả tăng gần 95%; phân bón và hợp chất nitơ tăng trên 63%; ximăng tăng trên 44%; môtô xe máy tăng gần 39%; chế biến và bảo quản thuỷ sản, sản phẩm từ thuỷ sản tăng trên 35%; quần áo mặc thường cho người lớn tăng 37,6%. |
Lượng hàng tồn ở nhóm hoá mỹ phẩm và thực phẩm chế biến cũng khá cao. Phó tổng giám đốc một hệ thống siêu thị cho biết, chưa có năm nào lượng hàng tồn kho nhiều như năm nay. Theo kế hoạch, siêu thị nhập hàng đủ trong ba tháng đầu năm, nhưng đã hết tháng 4, ở một số nhóm hàng, lượng hàng tiêu thụ mới chỉ đạt khoảng 60 – 70%. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart ước, lượng hàng tồn kho trong các ngành hàng nước giải khát, thực phẩm chế biến, hoá mỹ phẩm… từ vài tỉ lên đến hàng chục tỉ tuỳ quy mô từng công ty. Bà kể: “Nhiều công ty sẵn sàng tham gia bất cứ chương trình khuyến mãi nào siêu thị đưa ra theo cách giảm giá trực tiếp hoặc dùng hàng làm quà tặng bán kèm”.
Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark cho biết: “Nhóm hàng hoá mỹ phẩm khuyến mãi rất mạnh tay, mua 1 tặng 1”. Điều này đồng nghĩa với khi bán được một container hàng mới thì nhà kinh doanh cũng giải quyết được một container hàng tồn.
Đáng lưu ý, hiện nay có nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến chỉ còn hạn sử dụng trong vòng 3 – 6 tháng. Với tốc độ mua sắm như hiện nay, chắc chắn sẽ có hàng tồn kho, nên một số công ty đã chọn giải pháp giảm giá bán sỉ mạnh (lên đến 45%) cho các tiệm tạp hoá, cửa hàng bên ngoài hoặc bán khuyến mãi kèm hàng trong siêu thị.
Quy định gây khó cho khuyến mãi Công ty thời trang NT vừa treo băngrôn chương trình khuyến mãi giảm giá 70%, lập tức có đoàn kiểm tra đến lập biên bản, phạt vi phạm quy định về luật thương mại và xúc tiến thương mại, kèm theo cảnh cáo nếu tái diễn việc giảm giá vượt quá 50%, thì có thể bị cấm thực hiện các chương trình khuyến mãi trong một năm. Ông Lê Văn Khoa, phó giám đốc sở Công thương TP.HCM, nói: “Đã là luật thì không thể làm khác được”. Cụ thể, theo điều 6 nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi”. Khoản 4, điều 9 nghị định 37/2006/NĐ-CP, quy định: “Một chương trình khuyến mãi không vượt quá 45 ngày”… vi phạm sẽ bị xử phạt tối đa 10 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng: với quần áo thời trang, thực phẩm chế biến, khi sản phẩm đến giai đoạn cận đát (chuẩn bị sang mùa thời trang mới, hoặc sắp hết hạn dùng), thì việc giảm giá 70 – 80% hoặc cao hơn nữa là bình thường, thay vì phải mang đi đổ bỏ. Trong bối cảnh sức mua đang quá chậm như hiện nay, cần phải có giải pháp cho doanh nghiệp thanh lý hàng tồn, cần có quy định phù hợp. Bích Thảo |