Đơn vị tư vấn “ưa” biểu giá điện 3 - 4 bậc

Trong khi phần lớn người dân kiến nghị ngành điện áp dụng một giá điện đồng nhất, các chuyên gia khuyên dùng biểu giá điện 5-6 bậc thì Công ty Tư vấn quản lý và phát triển Việt Nam (CMD- đơn vị tư vấn xây dựng 3 phương án biểu giá điện đang được lấy ý kiến) lại kiến nghị áp dụng phương án 3, tức phương án biểu giá điện từ 3-4 bậc.

Tiền điện không còn tăng vọt khi trời nóng?

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - đại diện CMD khẳng định, việc xây dựng phương án biểu giá điện 3 - 4 bậc dựa trên cơ sở các cuộc điều tra thực tế về tình hình tiêu thụ điện sinh hoạt trong 2 năm 2013 - 2014. Phương án 3 - 4 bậc sẽ khắc phục được tốc độ tăng trưởng hóa đơn điện khi khách hàng sử dụng nhiều điện vào mùa nóng.

Đơn vị tư vấn “ưa” biểu giá điện 3 - 4 bậc - 1

Giá điện tăng đột biến trong thời gian vừa qua, người dân phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tự kiểm tra chỉ số điện của gia đình mình. Ảnh: Mạc Li

Ông Thỏa còn cho rằng, phương án 3 (tức phương án sử dụng 3-4 bậc thang) giúp cho việc kiểm tra giám sát của cả doanh nghiệp và người dùng điện đỡ phức tạp hơn, đồng thời cũng khắc phục được nhược điểm phương án đồng giá là sử dụng điện không tiết kiệm. “Phương án biểu giá điện 3 - 4 bậc vẫn đảm bảo được chính sách tiết kiệm điện và có thể hỗ trợ được người nghèo bởi giá điện bình quân không tăng. Giá điện bình quân chung hiện nay là 1.622 đồng/kWh, giá bình quân đối với điện sinh hoạt bán lẻ bậc thang là 1.747 đồng/kWh, tức cao hơn 7,6% giá điện bình quân chung”-ông Thỏa nói.

Trước lo ngại về việc ghi chỉ số điện, nhất là trong mùa nắng nóng với chỉ số kWh ở nấc thang cao sẽ khiến số tiền phải trả cũng tăng dễ gây hiểu lầm ghi chỉ số điện không chuẩn xác. Khi rút gọn còn 3 hoặc 4 bậc thang, chính EVN cũng cho rằng, những tồn tại này vẫn không thể cải thiện. Ông Thỏa cho rằng, đây là bất cập mang tính chủ quan về công tác quản lý của ngành điện. “Tất nhiên, phương án này vẫn còn bất cập trong việc quản lý ghi chỉ số công tơ của khách hàng. Nếu áp dụng biểu giá điện này, ngành điện phải có giải pháp khắc phục như thay thế công tơ điện tử, kiểm tra giám sát việc ghi chỉ số tốt hơn...”-ông Thỏa nói thêm.

Giải thích thêm lý do chọn phương án 3, ông Thỏa khẳng định phương án này sẽ không làm hóa đơn tiền điện của người dân tăng vọt vào mùa nắng nóng. Lý do là công ty tư vấn đã sắp xếp các bậc thang giá điện theo hướng dồn tất cả hộ tiêu dùng bình quân thấp vào một bậc. Những hộ sử dụng điện ở mức trung bình sắp xếp vào một bậc và bậc cao nhất là nhóm những hộ tiêu dùng sử dụng nhiều điện nhất, mới phải trả giá cao nhất.

3-4 bậc là phương án “kém”

“Đây mới chỉ là ý kiến của đơn vị tư vấn chúng tôi, còn EVN hiện chưa nghiêng về phương án nào. Dù có chọn phương án 3 thì phía công ty tư vấn cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để hạn chế thấp nhất các nhược điểm của phương án này sau khi thu thập ý kiến của chuyên gia, người dân”-ông Thỏa khẳng định.

Trong khi đó, nói về phương án 3 với cách tính 3 bậc như đơn vị tư vấn của EVN đề xuất, GS Trần Đình Long-Hội Điện lực Việt Nam đánh giá “kém hơn nhiều về tác động điều chỉnh” so với cách tính 5 hay 6 bậc. Theo ông Long, 3 bậc mà mỗi bậc khoảng cách quá xa, chênh lệch với giá bình quân quá lớn thì vẫn thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, khi chuyển thang giá điện xuống 3 bậc, thì người ở bậc 3 trước đây (bậc 3 trong số 6 bậc) vẫn sẽ ở bậc 3, tức bậc cao nhất. Với nhóm khách hàng này, hóa đơn điện sẽ tăng vì họ phải thanh toán giá điện cao nhất.

Đánh giá về phương án để biểu giá điện theo 3 - 4 bậc, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng phương án này chưa giải quyết được vấn đề bất cập hiện nay là hóa đơn điện của dân tăng vọt, vì giá điện ở các bậc vẫn cao và ngày càng cao.

Theo ông Phong, EVN nên chia biểu giá điện mới thành 3 nhóm khách hàng khác nhau và sử dụng đồng giá cho từng nhóm được áp dụng. Trong đó, nhóm I dành cho những đối tượng chính sách xã hội, với mức khoảng 100kWh đầu. Nhóm II áp dụng từ 100 – 1.000kWh. Nhóm III là nhóm dành cho những doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp hoặc doanh nghiệp tiêu tốn điện với mức giá cao hơn, nhằm hạn chế sử dụng điện năng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN