Đón nhiều tin lành, người nuôi tôm, cá tra hốt bạc

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo hướng có lợi cho ngành cá tra, tôm nên cần tăng cường sản xuất hai mặt hàng này để tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu.

Không sử dụng chất cấm trong nuôi cá tra

Đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp khó khăn, như chất lượng và giá cá giống không ổn định, người dân nuôi tự phát ngoài quy hoạch, đặc biệt là Mỹ gây áp lực với chương trình thanh tra cá da trơn. Tuy nhiên, những vướng mắc trên dần được tháo gỡ. Tính đến ngày 30.9.2018, tổng diện tích thả nuôi cá tra là 4.471ha, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017, sản lượng 942.000 tấn; giá trị xuất khẩu 1,68 tỷ USD, tăng tới 29,6% so với cùng kỳ 2017.

Đón nhiều tin lành, người nuôi tôm, cá tra hốt bạc - 1

Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu. Ảnh:Thanh Cường

Theo Bộ NNPTNT, nhiều thông tin thuận lợi cho xuất khẩu cá tra bắt đầu xuất hiện từ quý III. Ngày 10.9, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam là 0,0 – 2,39USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết quả POR13. Ngày 14.9, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức.

Thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, thị trường EU có nhiều chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá philê lên cao nhất từ trước tới nay.

Trước tình hình trên, trong Thông báo số 7952/BNN-TCTS về tăng cường chỉ đạo sản xuất cá tra các tháng cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Thời gian tới, để tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi, Bộ NNPTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống, đảm bảo tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao, nuôi cá theo hướng liên kết chuỗi giá trị cũng như thực hiện tốt đề án giống cá tra 3 cấp.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc theo quy định; tiếp tục phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chế biến, xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ điều kiện sản xuất và chất lượng cá tra; khuyến khích người dân, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi giá trị để ổn định sản xuất.

Khuyến khích liên kết theo chuỗi

Đối với mặt hàng tôm, trong Công văn số 7951/BNN-TCTS về  tăng cường nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Tương tự cá tra, ngành hàng tôm trong quý III đón nhận tin tích cực là Bộ Thương mại Mỹ thông báo mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong POR12 là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ.

Trong nước, cùng với việc thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu phục hồi và giữ ở mức cao là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ 9 tháng năm 2018, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 701.302ha, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng nuôi 509.400 tấn, tăng 8% nhưng giá trị xuất khẩu giảm 1,1%, đạt 2,7 tỷ USD.

Nhằm tận dụng cơ hội đến từ thị trường nước ngoài để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của ngành và tránh bị thiếu hụt cung vào các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nuôi tôm ven biển chỉ đạo Sở NNPTNT và các đơn vị chức năng khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị.

Kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi. Quản lý chất lượng tôm giống, vật tư đầu vào; tăng cường thanh tra chuyên ngành, xử lý nghiêm những sai phạm về sản xuất kinh doanh tôm giống không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản không có trong danh mục cho phép. Tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến để kịp thời ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thơ ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN