Đói nguyên liệu, nhiều nhà máy đóng cửa

Nhiều doanh nghiệp phải tăng cường nhập nông sản nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến cầm cự.

Không chỉ hạn hán, xâm nhập mặn mà còn do cách làm ăn thiếu bài bản, không xây dựng vùng nguyên liệu, thiếu chiến lược phát triển thị trường… khiến nhiều nhà máy gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu.

Từ chối hợp đồng giá trị lớn

Cơn khủng hoảng thiếu nguyên liệu trầm trọng ập đến ngành mía đường đầu tiên. Hàng loạt nhà máy phải ngừng sản xuất. “Trong ba tháng đầu năm nay đã có nhiều nhà máy mía đường quy mô lớn phải đóng cửa. Điển hình như nhà máy mía đường Kiên Giang, Hiệp Hòa, Cà Mau, Long Mỹ Phát...” - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) Nguyễn Thành Long dẫn chứng.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng trên, theo ông Long là do lợi nhuận từ trồng mía không cao nên nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác như cây ăn quả, hoa màu ngắn ngày. Hệ quả là sản lượng mía sụt giảm, các nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất.

Đứng trước thực tế trên, các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu với giá cao dẫn đến giá đường bán ra cao, không cạnh tranh lại các loại đường nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan.

Những khó khăn trên kéo dài và cộng thêm hạn hán, xâm nhập mặn tác động nặng nề đã đẩy nhiều nhà máy mía đường phải đóng cửa nếu không sẽ thua lỗ nặng.

Không chỉ ngành mía đường mà ngành chế biến tôm xuất khẩu cũng chung cảnh ngộ. Rất nhiều nhà máy đang hoạt động không hết công suất, ảnh hưởng đến thực hiện hợp đồng giao hàng với đối tác nước ngoài. Thậm chí nhiều nhà máy phải tăng cường mua tôm nguyên liệu từ nước ngoài để cầm cự. Thu nhập của công nhân giảm vì làm không hết ca.

Nói về thực tế này, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho hay những tháng đầu năm nay các nhà máy chế biến tôm luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu, có thời điểm nguyên liệu chỉ đủ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến. Bản thân công ty phải từ chối một số hợp đồng có giá trị lớn. “Hiện nay công ty mua tôm với giá cao nhưng vẫn không được nhiều” - ông Lĩnh cho biết thêm.

Đói nguyên liệu, nhiều nhà máy đóng cửa - 1

Nhiều nhà máy chế biến cá tra đang thiếu nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: QUANG HUY

Các nhà máy chế biến cá tra cũng đang rơi vào tình cảnh khó mua nguyên liệu. “Nguyên nhân thiếu nguồn cung là do suốt trong một thời gian dài giá cá tra rất thấp, nông dân bỏ nuôi cá tra vì lỗ dây chuyền. Thêm nữa, một số công ty cũng giảm diện tích nuôi trồng với tâm lý chỉ thu mua trôi nổi để có giá rẻ hơn do tự mình đầu tư. Do đó, sản lượng cá tra năm 2016 dự báo giảm hơn 40%” - ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích.

Đối với ngành điều, dù đang vào vụ thu hoạch nhưng do nắng hạn kéo dài làm năng suất giảm mạnh so với những vụ trước. Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thông tin: “Các nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu chỉ hoạt động được 50% công suất, những tháng tiếp theo sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, việc nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu từ Bờ Biển Ngà và một số nước châu Phi khác lại gặp khó khăn. Nhiều hợp đồng đã ký nhưng đối tác không chịu giao hàng, đòi tăng giá”.

Để không sống dở, chết dở

Ông Nguyễn Thành Long cho hay trong khi nhiều doanh nghiệp “sống dở, chết dở” vì thiếu nguyên liệu thì vẫn có nhiều đơn vị khác sống khỏe nhờ có giải pháp căn cơ, bền vững. Đó là các đơn vị có ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân; hỗ trợ nông dân về giống, phân bón và kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Điển hình như Tập đoàn TTC liên kết với nông dân xây dựng các cánh đồng lớn, cơ giới hóa, làm mẫu để có thể áp dụng rộng rãi. Sử dụng công nghệ tiết kiệm nước, trồng các giống mía chống hạn, mặn… Nhờ những mô hình liên kết này mà năng suất mía đạt 90 tấn/ha, cao hơn mức trung bình của Thái Lan (75 tấn/ha) và giá thành sản xuất mía chỉ 510.000 đồng/tấn mía, ngang bằng Thái Lan. Chính vì vậy sản phẩm đường có khả năng cạnh tranh với Thái Lan.

Đối với thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho rằng để phát triển bền vững, các công ty cần đẩy mạnh việc bắt tay với nông dân, các nhà khoa học, các viện, trường. Qua đó để chủ động hơn trong sản xuất giống, thức ăn nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương Dương Ngọc Minh thì cho hay: “Hiện nay chúng tôi tính toán lượng thức ăn hợp lý để kéo giãn thời gian nuôi, đảm bảo có cá sản xuất, chế biến đến sang năm 2017. Đồng thời liên kết thu mua nguyên liệu cá từ nông dân”.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ nông dân khắc phục hạn hán, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), nhấn mạnh ngành cà phê cũng như các nông sản khác của Việt Nam phải đầu tư cho chế biến sâu. Riêng ngành cà phê phải tập trung vào rang xay, cà phê hòa tan chứ không nên chỉ tập trung xuất khẩu thô, giá trị thấp, không có thương hiệu.

Thả nổi nhập giống Trung Quốc

Một số công ty mía đường cho hay trong nhiều năm qua, Việt Nam thả nổi cho các nhà máy và nông dân nhập khẩu giống mía từ Thái Lan và Trung Quốc về trồng với rất nhiều rủi ro về sâu bệnh. Trong khi đó, công tác nghiên cứu giống mía thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hầu như không được triển khai vì thiếu sự đầu tư.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng mía đạt thấp, khả năng cạnh tranh kém, thiếu nguyên liệu chế biến. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến nay các nhà máy đường nước ta mới ép được hơn 10 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 800.000 tấn đường. Như vậy so với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1,25 triệu tấn và lượng đường giảm hơn 163.000 tấn.

Do nhiều diện tích cà phê cháy khô vì hạn hán nên Vicofa dự báo năm nay Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với năm ngoái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN