Độc lạ Hà Tĩnh: Nuôi 40 tổ kiến vàng để bảo vệ vườn cam
Nhằm phát triển vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ, người nông dân ở Hà Tĩnh đã áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng trong vườn cam để làm khống chế các loài sâu bọ gây hại.
Hà Tĩnh hiện có hơn 7.700 ha diện tích trồng cam. Cây cam được xem là một trong những cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.
Vườn cam của gia đình ông Toại không những nuôi kiến vàng để bảo vệ cây mà các quả cũng được bao bọc cẩn thận
Để phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn hữu cơ, người trồng cam ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, đã áp dụng biện pháp sinh học rất đơn giản thay thế thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Đó là mô hình nuôi kiến vàng để diệt trừ sâu bọ, côn trùng gây hại cho cây ăn quả do Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 - Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang triển khai từ tháng 8-2023.
Mô hình này được thực hiện thí điểm tại các xã Thọ Điền, Quang Thọ và Đức Liên; có 4 hộ tham gia với tổng diện tích 10ha cây trồng.
Là một trong 4 chủ trang trại thực hiện mô hình nuôi kiến vàng đầu tiên tại Hà Tĩnh, ông Lê Quang Toại (ngụ thôn Đăng, xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang), cho biết gia đình ông có trang trại cam rộng gần 2ha, với hơn 200 gốc cam, trong đó có một phần diện tích lớn đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
Ông Toại giới thiệu về cách tạo "đường đi" cho kiến vàng
"Trước đây trồng cam, gia đình chúng tôi sử dụng các loại phân bón vô cơ, thuốc hóa học đã làm ảnh hưởng đến môi trường đất, cây trồng và người tiêu dùng. Sau khi chuyển sang trồng cam hữu cơ, nuôi kiến vàng làm "vệ sĩ" để diệt trừ các loài sâu bọ, côn trùng trên vườn cam. Bước đầu, có thể nhận thấy con người được đảm bảo sức khỏe, đất trồng màu mỡ hơn, cây phát triển được bền hơn và nâng cao chất lượng quả cam" - ông Toại nói.
Dây cước nối các cây trong vườn cam lại với nhau thành một hệ thống để kiến di chuyển qua lại
Kiến vàng di chuyển qua lại giữa các cây để "săn" côn trùng
Để có tổ kiến vàng, ban đầu ông Toại phải đi vào rừng cây keo tìm tổ của chúng. Sau khi phát hiện tổ kiến, ông cắt luôn cả cành cây có tổ kiến đó bỏ vào bao tải bọc kín mang về gác lên cây cam.
Để đàn kiến ở lại trên cây cam, ông phải bỏ thức ăn như tép biển hoặc cơm nguội vào các chai nhựa rồi buộc lên cành cam để làm mồi cho kiến. Với vài tổ ban đầu, sau khoảng gần 3 tháng, vườn cam của ông Toại hiện đã có hơn 40 tổ kiến vàng.
Một trong nhiều tổ kiến vàng trong vườn cam của gia đình ông Toại
"Quá trình nuôi và theo dõi kiến vàng từ khi đưa về thả nuôi trên cây cam, tôi nhận thấy các loài như rệp, bọ xít, nhện đỏ, sâu đục quả, sâu đục thân… đều bị kiến "tiêu diệt" hết. Biện pháp này giúp gia đình đỡ tốn công chăm sóc, sau nữa là hiệu quả mang lại tôi thấy rất mừng" - ông Toại cho hay.
Kiến vàng đi tới các điểm được ông Toại đặt thức ăn như tép hoặc cơm nguội
Ông Phan Anh Toản, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Vũ Quang, cho biết sau gần 3 tháng triển khai mô hình nuôi kiến vàng cho thấy loài này khống chế sâu hại, nhện... rất hiệu quả.
Các vườn cam áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng này không cần phải phun thuốc để diệt sâu nữa.
Ông Toại cũng cảnh báo cho chúng tôi cẩn thận vì kiến vàng đốt rất đau, sưng to
"Từ thực tế thí điểm trên 4 trang trại, chúng tôi nhận thấy 3 trang trại không sử dụng thuốc BVTV thì kiến vàng phát triển và ở lại, còn lại một vườn do chủ hộ do vẫn chưa thực hiện các điều kiện trên nên kiến vàng chết và bỏ đi" - ông Toản nói.
Vườn cam hữu cơ của gia đình ông Toại đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch
Ông Nguyễn Tuấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng 4 - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTN) cho biết, mục đích triển khai mô hình nuôi kiến vàng là giúp người dân biết được vai trò của loài vật này trong quản lý sâu hại trên vườn cam.
Dây cước là hệ thống đường đi từ cây này sang cây khác của kiến
"Việc nuôi kiến vàng sẽ giúp người dân không chỉ bảo vệ được vườn cây trước các loài sâu bệnh gây hại mà còn giúp giảm chi phí mua các loại thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn chất lượng quả. Từ đó giúp người dân phát triển mô hình cây ăn quả có múi, theo tiêu chuẩn hữu cơ một cách bền vững" - ông Lộc cho biết.
Những quả cam chín mọng, không có thuốc bảo vệ thực vật
Chàng trai Quảng Ngãi mang thứ cây mọc hoang trong rừng núi, bụi rậm và bờ rẫy về trồng đại trà, thu hơn 1 tỉ đồng/năm.
Nguồn: [Link nguồn]