Độc đáo những “cửa hàng” rau di động của phụ nữ Ba Na
Đều đặn mỗi ngày, những người phụ nữ Ba Na cõng sau lưng chiếc gùi chất đầy các bó rau xanh mơn mởn xuống phố.
Rau sạch từ nhà ra phố
Cứ vào mỗi buổi sáng, hình ảnh những người phụ nữ Ba Na cõng sau lưng chiếc gùi chất đầy ắp rau củ quả xanh mướt, có mặt trên các tuyến đường quá đỗi quen thuộc trong mắt của nhiều người.
Điều khác lạ, họ không ngồi tập trung tại một nơi mà đi từng ngõ, gõ từng nhà để cung cấp cho người dân những bó rau xanh, sạch.
Đều đặn từ 6h sáng mỗi ngày, chị Y Nguyệt, 43 tuổi, phường Thống Nhất, Tp.Kon Tum lại đi bộ khoảng 2km từ nhà ra phố bán những loại thực phẩm xanh, sạch do chính gia đình chị vun trồng.
Sau lưng đeo chiếc gùi nặng trịch, chất đầy những bó rau xanh, thấy chúng tôi bắt chuyện, nghiêng vai thả nhẹ chiếc gùi xuống đất, chị Nguyệt kể: “Ngày nào tôi cũng dậy từ 5h sáng để chuẩn bị các loại rau củ nhà trồng để mang đi bán.
Nhà chỉ có một khoảnh vườn nhỏ nhưng tôi trồng nhiều loại rau như: rau muống, xà lách, cải ngọt. Hằng ngày, cứ tốp 3-4 chị em ở xóm rủ nhau đi bán. Cũng bởi công việc thường xuyên liên tục nên mình có nhiều gia đình mua rau miết trở thành khách quen, nên bán cũng nhanh hết hàng. Nếu như ngày mưa thì mệt hơn, do ít khách mua, lúc đó bán không hết phải ngậm ngùi mang rau về”.
Những gùi rau xanh, sạch theo chân người phụ nữ Ba Na len lỏi khắp phố phường.
Rau mà người làng trồng chỉ sử dụng nước tưới, không sử dụng hoá chất nên được nhiều cư dân thành phố ưa chuộng. Nhiều gia đình không cần đến chợ mà sáng nào cung đặt hàng các chị em đưa đến tận nhà.
Thấy nhiều chị em mang rau từ nhà bán rất đắt hàng, bà Y Minh, 56 tuổi, phường Thắng Lợi, Tp.Kon Tum quyết định cải tạo đất sau nhà để trồng rau cải, mồng tơi.
“Cả nhà đều làm nông, thu nhập chính từ 3 sào ruộng không đủ để nuôi con cái ăn học. Thấy nhiều chị em trong xóm mang rau bán, nên tôi cũng trồng để đi bán dạo kiếm thêm thu nhập. Tuy có vất vả phải đi bộ, nhưng vì cuộc sống nên tôi cố gắng”, bà Y Minh bộc bạch.
Dù đi lại vất vả nhưng bù lại số lượng rau bán lại bán nhanh hơn. Theo cách này, bà có thể đi đến nhiều con hẻm rao bán trực tiếp cho những gia đình bận rộn công việc không thể đến chợ. Rau tươi, sạch, an toàn nên người mua cũng yên tâm.
Thực khách tin dùng
Chị Trần Thị Huyền, 36 tuổi, phường Thắng Lợi, Tp.Kon Tum, khách hàng thường xuyên của bà Y Minh cho hay: “Do công việc bận rộn nên tôi thường mua rau để trong tủ lạnh dùng trong 3-4 ngày, khiến rau héo và không được tươi. Nhưng khi có “cửa hàng rau di động” của các chị em người Ba Na thì ngày nào cũng có rau tươi để ăn. Mỗi ngày đều đặn lúc 7h sáng, bà Y Minh lại ghé nhà tôi bán rau. Mua chỗ quen biết nên yên tâm là rau sạch và tươi”.
Không chỉ buôn bán các loại rau củ do nhà trồng được, nhiều phụ nữ Ba Na còn đến khu vực chợ đầu mối Kon Tum (đường Nguyễn Văn Linh, phường Lê Lợi, Tp.Kon Tum) để mua các loại rau củ quả rồi gùi đi bán dạo.
Em Y Hạnh, 13 tuổi, phường Thống Nhất, Tp.Kon Tum cũng tranh thủ buổi sáng sớm không đi học để bán rau dạo kiếm thêm tiền mua sách vở và tiền trang trải cuộc sống.
Lúc đầu, em Hạnh gặp rất nhiều khó khăn khi phải đi bộ nhiều với chiếc gùi đựng đầy rau trên vai. Nhiều lúc cũng ngại với bạn bè nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Hạnh phải cố gắng. Khi bản thân có thể kiếm thu nhập phụ giúp gia đình khiến em rất vui.
Những người phụ nữ Ba Na phấn khởi có thêm nguồn thu nhập từ cây nhà lá vườn.
“Nhà em không có vườn rẫy, ba mẹ phải thường xuyên đi làm thuê nuôi 2 chị em ăn học. Mình là chị cả trong nhà nên muốn làm gì đó để giúp đỡ ba mẹ. Em thường dậy từ 5h sáng nhận rau rồi gùi đi bán. Bên cạnh mua từ chợ, rau ở nhà dùng không hết em cũng tranh thủ hái đem đi bán, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.
Mỗi ngày, em đi bộ khoảng 8-9 km, khi nào hết rau mới về. Nhiều bữa phải đến hơn 11h mới bán hết rau, nhưng bù lại em kiếm được 150.000-200.000 đồng”, em Y Hạnh chia sẻ.
Bất kể nắng mưa, từ hẻm sâu đến đường lớn, những bước chân của người phụ nữ Ba Na vẫn lặng lẽ giữa dòng xe cộ tấp nập.
Vất vả là thế, nhưng vì miếng cơm, manh áo của bản thân và gia đình, những người phụ nữ này vẫn gồng mình kiếm sống từ mớ rau, củ quả tự trồng. Mong cho những gùi rau của chị em người Ba Na luôn đắt hàng, ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các đơn vị nhập khẩu trái cây, quýt Úc nhập khẩu chính ngạch hiện chưa vào mùa, giá bán lại cao, không có mức giá 40.000 đồng/kg như hiện nay.