Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra dọa đóng cửa
Để bảo đảm độ ẩm 83% và mạ băng không vượt quá 10% thì chắc chắn doanh nghiệp phải bán sản phẩm với giá cao, sẽ khó được các thị trường truyền thống chấp nhận
ĐBSCL có trên 5.430 ha nuôi cá tra thương phẩm, 193 nhà máy chế biến xuất khẩu. Dù chưa thu hoạch hết nhưng sản lượng xuất khẩu năm nay đạt trên 718.000 tấn, tương đương giá trị kim ngạch khoảng 1,58 tỉ USD. Mỗi năm, ngành cá tra giải quyết cho hơn 23.000 lao động.
Nông dân ĐBSCL thu hoạch cá tra Ảnh: THỐT NỐT
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho biết vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) khảo sát hàng tồn kho của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Qua khảo sát, đa phần các DN đồng tình việc thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ để lập lại trật tự trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra nhưng kiến nghị nên nâng tỉ lệ độ ẩm lên 86% thay vì quy định 83%; riêng quy định tỉ lệ mạ băng không vượt 10% thì không có gì để lo ngại.
“Khi đặt vấn đề siết chặt quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu thì một số DN dọa sẽ đóng cửa. Bởi nếu thực hiện đúng như thế sẽ làm tăng giá thành xuất khẩu, nhất là ở các thị trường truyền thống. Chỉ còn vài ngày nữa là nghị định có hiệu lực nhưng hiệp hội vẫn chưa biết Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT có điều chỉnh các tỉ lệ này theo kiến nghị của DN hay không” - ông Quốc băn khoăn.
Lãnh đạo một DN chế biến cá tra xuất khẩu ở tỉnh Đồng Tháp cho rằng để bảo đảm độ ẩm 83% và mạ băng không vượt quá 10%, DN phải bán sản phẩm với giá cao, sẽ khó được các thị trường truyền thống chấp nhận. Áp đặt quy định chung này đối với tất cả sản phẩm khác làm ra từ cá tra thì DN càng khó khăn hơn. Không đạt kế hoạch xuất khẩu, hàng tồn kho nhiều thì công nhân mất việc làm, không đợi đến khi DN đóng cửa.
Sáng 30-12, ông Huỳnh Hữu Thông, Chủ tịch Công đoàn các KCN và KCX TP Cần Thơ, cho biết ngay sau khi nhận được tin Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (South Vina) sẽ đóng cửa vào ngày 1-1-2015, ông liên lạc với DN này và được biết đây chỉ là tuyên bố nhằm gây áp lực lên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). DN này nói rõ ý định của mình nên tất cả công nhân đều yên tâm làm việc.
Chiều cùng ngày, ông Dương Viết Thắng, Phó Giám đốc South Vina, khẳng định với quy định tại Nghị định 36 về việc không cấp chứng thư cho các lô hàng xuất khẩu có độ ẩm cao hơn 83% và mạ băng nhiều hơn 10% thì DN này đề nghị điều chỉnh. Theo ông Thắng, lượng hàng tồn kho hiện nay sẽ xuất khẩu không kịp theo tiêu chuẩn mới. Nếu Nghị định 36 thực thi từ ngày 1-1-2015 thì với hơn 3.000 tấn thành phẩm tồn kho, bắt buộc DN phải đóng cửa.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết đã gửi công văn lên Bộ Công Thương và UBND TP Cần Thơ kiến nghị tiếp tục duy trì thời gian xuất khẩu cá tra phi lê đông lạnh chưa đáp ứng quy định của Nghị định 36 thêm một năm nữa. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT thống nhất xác định lộ trình hợp lý đối với hàm lượng nước trong cá tra phi lê đông lạnh để phù hợp với từng thị trường xuất khẩu, tránh gây biến động đột ngột trên thị trường và thiệt hại lớn cho DN.
Chưa nhận được kiến nghị của doanh nghiệp Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến chiều 30-12, vẫn chưa nhận được đơn kiến nghị dời thời hạn thực hiện Nghị định 36. Do đó, nghị định này vẫn được thực hiện đúng ngày 1-1-2015, nếu các DN có kiến nghị thì sẽ xem xét sau. Xung quanh quy định cá tra xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng 10% và hàm lượng độ ẩm 83%, ông Điền cho biết đã giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản nghiên cứu. Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, tiêu chí về tỉ lệ mạ băng được đưa vào quy định với mục đích bảo vệ sản phẩm trước khả năng mất nước, cháy lạnh gây giảm chất lượng sản phẩm. Kiểm soát hàm lượng độ ẩm là cần thiết nhằm siết chặt chất lượng cá tra xuất khẩu qua việc giảm nước trong cá. Th.Dương |