Doanh nghiệp xi măng bên bờ vực phá sản

Từ giữa năm 2011 đến nay, các doanh nghiệp (DN) xi măng Việt Nam đã đối mặt với hàng loạt khó khăn như tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao, lãi suất cao và cạnh tranh khốc liệt... Nhiều DN xi măng đang bên bờ vực phá sản.

Tiêu thụ giảm mạnh

Theo số liệu từ Hiệp hội Xi măng Việt Nam, năm 2011, cả nước tiêu thụ nội địa xấp xỉ 50 triệu tấn xi măng, giảm 1 triệu tấn. Điều đặc biêt, càng về cuối năm tiêu thụ càng giảm mạnh. Tháng 11 và 12 hàng năm vốn là mùa cao điểm xây dựng nhưng sức mua thấp chưa từng có, từ khoảng 4,8 triệu tấn/tháng trong những tháng đầu năm giảm xuống chỉ còn 3,5 - 3,6 triệu tấn/tháng.

Sang năm 2012 tình hình còn khó khăn hơn. Quý I/2012, cả nước chỉ tiêu thụ được 10 triệu tấn xi măng, bình quân mỗi tháng khoảng 3,3 triệu tấn, trong khi sản xuất 12,7 triệu tấn, lượng tồn kho của các nhà máy lên gần 3 triệu tấn, chiếm khoảng 25%, vượt xa ngưỡng an toàn là 10%.

Ông Đỗ Đức Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cho biết, khó khăn lớn nhất của ngành xi măng hiện nay là lượng tồn kho lớn. Dự kiến năm 2012, toàn ngành chỉ tiêu thụ được khoảng 46 - 47 triệu tấn, cộng với xuất khẩu được khoảng 7 triệu tấn, nghĩa là vẫn còn dư trên 10 triệu tấn không tiêu thụ được.

Nhiều công trình xây dựng bị cắt giảm tiến độ hoặc tạm dừng khiến tiêu thụ xi măng giảm, trong khi năng lực sản xuất tăng, dẫn đến cung vượt cầu là thảm cảnh của các DN xi măng hiện nay. Các DN xi măng dự báo, sức mua của thị trường thời gian tới chưa có dấu hiệu gì sáng sủa hơn do thị trường bất động sản vẫn đang trên đà lao dốc.

Thị trường trong nước tiêu thụ khó khăn, các DN đã tìm hướng xuất khẩu, nhưng xem ra đầu ra này cũng khó khăn không kém bởi xi măng là mặt hàng có giá trị thấp trong khi trọng lượng và thể tích lớn dẫn đến chi phí vận tải cao. Bên cạnh đó do thiếu cảng, phương tiện bốc xếp chuyên dùng cùng với kinh nghiệm trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm không có, tính chuyên nghiệp thấp cũng khiến cho việc xuất khẩu xi măng không đơn giản.

Tiêu thụ gặp khó khăn khiến các DN hiện nay chỉ sản xuất khoảng 70 - 80% công suất. Mặc dù vậy thì công suất toàn ngành vẫn không ngừng tăng lên. Năm 2011, công suất thiết kế toàn ngành xi măng đã lên đến 65,5 triệu tấn. Năm 2012, cả nước dự kiến tiếp nhận thêm 7-8 dự án nhà máy xi măng đi vào hoạt động, với công suất xấp xỉ 7 triệu tấn/năm, nâng công suất cung ứng ra thị trường lên 70 triệu tấn/năm, cao hơn 20 triệu tấn so với nhu cầu thực tế.

Khi công suất dư thừa, tồn kho tăng cao và tiêu thụ giảm sút thì trên thị trường xi măng đã diễn ra cạnh tranh khốc liệt.

Các DN sản xuất xi măng cả lớn lẫn nhỏ đang ồ ạt khuyến mãi để giải phóng bớt lượng hàng tồn kho. Không chỉ đua nhau giảm giá bán, mà còn tung khuyến mãi khủng như bán 100 bao tặng thêm 10-13 bao, đây là mức khuyến mãi chưa bao giờ có trên thị trường.

Nhiều DN cho rằng họ đang "trầy trật" bởi chính sách giá thấp và khuyến mại "khủng" giữa các nhà máy xi măng với nhau. Hiện nay trên cùng một địa bàn, giá bán xi măng của các DN chênh lệch nhau từ 80.000 - 180.000 đồng/tấn. Ví dụ như Xi măng VINACOMIN (nhãn hàng hợp nhất của 3 nhà máy La Hiên, Quán Triều và Tân Quang) có giá bán trong năm 2011 tại phía Bắc chỉ vào khoảng 870.000 đồng/tấn, giá này thấp hơn giá của các loại xi măng Hoàng Thạch, Hải Phòng, Chinfon, Phúc Sơn, Sông Thao, Hữu Nghị từ 220.000 - 360.000 đồng/tấn. Mấy tháng qua, xi măng của VINACOMIN đã tăng giá lên xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn, nhưng vẫn quá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường.

Cách duy nhất để bán được nhiều hàng mà các DN xi măng đang làm hiện nay là hạ giá thấp và khuyến mại lớn, mặc dù biết rằng sẽ thua lỗ lớn.

Đầu ra giá thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh khiến nhiều DN điêu đứng. Thời gian qua chi phí xăng dầu tăng 32-43%, điện tăng 15,28%, tỷ giá ngoại tệ 9%, vỏ bao tăng 25% và than, nguồn năng lượng chính sử dụng trong ngành xi măng, tăng gần 90%. Mặc dù vậy nhưng chẳng doanh nghiệp nào dám nghĩ đến việc tăng giá bán, bởi làm như vậy sẽ lập tức mất thị trường và chết ngay. Chấp nhận bán dưới giá thành, chịu lỗ, dù sao cũng còn có thể hoạt động lay lắt, kéo dài được ngày nào hay ngày đó.

Bên bờ vực phá sản

Theo ông Đỗ Đức Oanh, hiện tại có gần 100 DN xi măng đang rất khó khăn. Điển hình là, Xi măng Cẩm Phả lỗ lũy lế lên tới 1.259 tỷ đồng; tiếp đến là Xi măng Hạ Long lỗ 982 tỷ đồng và Xi măng Đồng Bành lỗ 149 tỷ đồng. Đấy là những DN đang ngoắc ngoải, còn không ít DN khác đã "chết" hẳn như Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) hay Áng Sơn (Quảng Bình).

Doanh nghiệp xi măng bên bờ vực phá sản - 1

Lượng ximăng tồn kho lớn (ảnh minh họa)

Đáng chú ý là với việc tiêu thụ giảm, sản xuất cầm chừng, các DN xi măng đang gặp khó khăn lớn trong khâu trả nợ và khấu hao thiết bị, nhất là đối với những DN mới đầu tư, khấu hao còn lớn như một số nhà máy thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng VN (Vicem), xi măng Thái Nguyên, xi măng Đồng Bành...

Hầu hết các DN này vay vốn bằng ngoại tệ và với áp lực trả nợ ngoại tệ trong điều kiện tỷ giá tăng mạnh, thực sự đang gặp khó khăn.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn, trong đó có 15 dự án bảo lãnh qua Bộ Tài chính và 1 dự án bảo lãnh qua Ngân hàng Nhà nước. Tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh là 1,675 tỷ USD, tương đương 17,92% tổng giá trị vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Trong khi đó, tổng dư nợ của các dự án xi măng hiện vẫn còn tới 988,6 triệu USD.

Cũng trong số 16 dự án này, có 4 dự án đang gặp khó khăn về trả nợ và Bộ Tài chính đã phải trả nợ thay do đến kỳ hạn trả nợ, bao gồm xi măng Hoàng Mai, xi măng Tam Điệp, xi măng Thái Nguyên và xi măng Đồng Bành.

Bi kịch hơn nữa là những DN xi măng còn đang xây dựng nhà máy dở dang. Tất cả những DN này đều sử dụng nguồn vốn vay. Trong đó có những đơn vị vay đến 80% tổng nguồn vốn đầu tư và không ít nguồn vốn vay trong nước, với lãi suất 19-21,5%/năm. Đây là những DN đang chết. Với những dự án chưa hoàn thành, DN có muốn đầu tư tiếp cũng không được, vì không ngân hàng nào dám giải ngân trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhưng ngừng lại cũng không xong, vì nếu không thể đưa nhà máy vào hoạt động, sẽ không có dòng tiền vào để trả nợ gốc và lãi.

Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, cho biết, một số DN xi măng lỗ 700 - 800 tỷ đồng xin nhập về tổng công ty nhưng chúng tôi không dám nhận.

Một số DN xi măng khác thì đang tìm cách bán nhà máy để lấy tiền trả nợ, nhưng trong lúc tiêu thụ giảm, sản xuất cầm chừng, thị trường bất động sản xuống dốc thì chẳng ai dám mua.

Chỉ khi nào thị trường BĐS được vực dậy, sản xuất xi măng mới khởi sắc. Hiện tại hãy để thị trường giải bài toán này, bởi những DN uy tín sẽ tồn tại, DN làm ăn kém, cần phải đào thải. Các DN phải tự cân đo được khả năng của mình để đề ra phương hướng kinh doanh phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thủy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN