Doanh nghiệp với TPP: Tự vệ bằng hàng rào phi thuế quan

Các quốc gia khác có thể ngay lập tức dựng lên hàng rào phi thuế quan nhằm bảo vệ thị trường nội địa, còn Việt Nam không dễ thực hiện do hạn chế về năng lực

Thương mại tuy chỉ là một phần trong toàn bộ nội dung sâu, rộng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhưng lại là vấn đề lo ngại hàng đầu, nhất là những lĩnh vực Việt Nam không có khả năng cạnh tranh. Đề án Quản lý nhập khẩu của Bộ Công Thương được Chính phủ ký duyệt vào cuối tháng 7-2015 được đánh giá là những giải pháp phi thuế quan rất tốt nhằm bảo hộ thị trường nội địa nhưng lại ra đời quá muộn.

Ngáng chân xuất khẩu

Đứng trước TPP, không chỉ các lĩnh vực yếu thế tỏ ra quan ngại mà ngay những ngành hàng có thế mạnh cũng phải trăn trở để thay đổi. Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), tỏ ra lạc quan bởi TPP chính là tín hiệu vui đối với ngành xuất khẩu nhân điều. Đặc biệt, các nước tham gia TPP đã chiếm trên 50% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu điều, kế đến là Singapore (10%), Úc (7%) và Canada (5%)… Vấn đề cần quan tâm hiện nay là một số mặt hàng xuất khẩu nếu đáp ứng được xuất xứ trong nước sản xuất mới được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế (0%). “Do đó, cần có những giải pháp đột phá để gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu trong nước. Hiện nay, nguyên liệu điều thô phục vụ chế biến xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn lại phải nhập khẩu” - ông Giang nêu.

Doanh nghiệp với TPP: Tự vệ bằng hàng rào phi thuế quan - 1

Xuất khẩu thủy sản sẽ có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực Ảnh: Ngọc Trinh

TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, đánh giá mặt hàng có lợi thế xuất khẩu nhất của Việt Nam là dệt may khi 2 đối tác quan trọng là Mỹ và Nhật Bản đều nằm trong TPP. “Thuế xuất nhập khẩu trung bình của các mặt hàng dệt may đang được duy trì ở 17% và sẽ xuống 0% khi TPP có hiệu lực. Do vậy, ngành hàng đang chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước sẽ có cơ hội tăng gấp hơn 2 lần về giá trị xuất khẩu lẫn số lượng lao động sau 10 năm vào TPP, tức là đạt kim ngạch 50-55 tỉ USD và khoảng 6 triệu lao động vào năm 2025” - ông Phương đánh giá.

Tuy nhiên, theo TS Lê Quốc Phương, việc hưởng lợi từ xuất khẩu sang các nước trong khối TPP khi thuế về 0% sẽ không đơn giản bởi song song với hạ thuế, các nước sẽ nâng hàng rào phi thuế quan lên rất mạnh, nhất là hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. “Việc các nước dựng hàng rào phi thuế quan với mục đích bảo vệ người tiêu dùng và hàng hóa trong nước là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể họ có đội ngũ thực thi nhanh nhạy, như một hệ thống cảnh giới luôn sẵn sàng nắm được mọi đặc điểm của thị trường, chỉ cần bắt đầu thực thi TPP là họ dựng hàng rào ngay” - TS Phương lo lắng.

Khó nhưng phải làm

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng để ứng phó “cơn lốc” hàng hóa với thuế suất ưu đãi từ các nước tràn vào thị trường thì Việt Nam cần có hàng rào riêng để kiểm soát hoạt động nhập khẩu.

Theo ông Đặng Hoàng Giang, đối với những ngành hàng nông sản, thực phẩm, năng lực cạnh tranh còn thấp thì những biện pháp tự vệ nên được xem xét và áp dụng. Tuy nhiên, phải tuân thủ đúng luật pháp quốc tế và bảo đảm tính chuyên nghiệp trên cơ sở những đề nghị của các DN, các tổ chức ngành hàng, hiệp hội. “Về lâu dài, nhà nước cần quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và hiệp hội. Đối với DN là hỗ trợ tín dụng, thuế, đất và công nghệ. Đối với hiệp hội thì cần nâng cao năng lực trong các chương trình xúc tiến thương mại...” - ông Giang gợi ý.

Thực tế đã có hàng loạt biện pháp quản lý nhập khẩu được chỉ ra từ kinh nghiệm của các quốc gia như: Sử dụng giấy phép nhập khẩu tự động, áp dụng biện pháp bảo vệ môi trường, sức khỏe, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ hàng hóa. Thậm chí, chính sách tỉ giá cũng là một dạng hàng rào được các nước sử dụng để đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, theo TS Lê Quốc Phương, những biện pháp này hiện Việt Nam sử dụng rất ít bởi chưa có thói quen cũng như năng lực còn hạn chế.

Phân tích cụ thể, ông Phương cho rằng muốn dựng hàng rào phi thuế quan thì phải có bộ phận nghiên cứu, nắm bắt thị trường nhanh nhạy, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn đúng chuẩn mực quốc tế. Sau khi dựng hàng rào, cần có năng lực kiểm tra, kiểm định. Trong khi đó, chúng ta lại vừa yếu về nhân lực thực thi vừa thiếu máy móc, kỹ thuật hiện đại.

Chăn nuôi không bị tác động lớn

Chiều 9-10, tại buổi họp báo chia sẻ những thông tin cơ bản về TPP vừa được 12 nước thành viên đàm phán thành công, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, cho biết thời điểm công bố chi tiết hiệp định được ấn định chung cho các nước vào giữa tháng 10-2015. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ dành thời gian để tham vấn ý kiến người dân và DN, tiến hành ký kết hiệp định và thực hiện quy trình thông qua TPP trong khoảng 18 tháng tới 2 năm.

Đánh giá chung, ông Khánh cho rằng trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Thu hút đầu tư cũng tăng và là cơ hội cho Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh sẽ gây khó khăn cho sản xuất trong nước, như ngành giấy, thép, ô tô...

Về ngành chăn nuôi, ông Khánh khẳng định sẽ gặp khó khăn nhưng thực tế ngành nông nghiệp đã có quá trình chuẩn bị để cạnh tranh. “Chính phủ rất quan tâm đến chăn nuôi. Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác chưa bao giờ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ngành chăn nuôi. Riêng TPP thì cân nhắc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho thịt heo, gà nhưng ngành chăn nuôi có 10 năm để chuẩn bị khi thuế về 0%. Nhìn chung, chăn nuôi có bị tác động nhưng không lớn như suy nghĩ” - ông Khánh khẳng định.T.Dương

Chọn phân khúc có lợi thế

Ông Đinh Văn Cải, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng do hàng hóa Việt Nam không có nhiều lợi thế trong cạnh tranh nên phải lựa chọn phân khúc có lợi thế để làm. “Theo tôi, cái gì các nước “chán”, không làm thì ta làm. Làm những cái có giá trị, các loại đặc sản... thì họ mới mua lại của mình. Mạnh thì vào cuộc chơi theo kiểu mạnh, yếu vào cuộc chơi theo kiểu yếu. Không phải tranh nhau mà ai cũng phải có cái riêng để cạnh tranh” - ông Cải nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thông Tấn (Hà Nội), TPP sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhưng đòi hỏi DN phải sản xuất ở trình độ cao hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. “Để cạnh tranh cần sự vào cuộc của cả hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề vốn mà còn cả khoa học - công nghệ, cũng cần chuyển đầu tư ở những lĩnh vực không quan trọng sang nông nghiệp” - ông Tấn nêu ý kiến.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người lao động)
Hiệp định TPP: Cơ hội và thách thức Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN