Doanh nghiệp vỡ nợ, nông dân trắng tay

Việc 3 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nông sản với quy mô khá lớn, có trụ sở tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) liên tiếp bị vỡ nợ đã khiến nông dân khốn đốn…

Vỡ nợ dây chuyền

DN bị vỡ nợ mới đây nhất, vào cuối tháng 5.2012 là doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trung Thành. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Liên - Phó Chủ tịch UBND phụ trách kinh tế xã Xuân Định: DNTN Trung Thành của bà Nguyễn Thị Thà đang nợ 66 tiểu thương ở một số nơi trong tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Đăk Lăk, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… cùng với 3 ngân hàng, 2 doanh nghiệp, tổng cộng khoảng 400 tỷ đồng và 3.000 tấn điều thô. Ngoài ra, DN này còn nợ thuế khoảng 48,5 tỷ đồng nữa…

Chủ nợ của bà Thà cho biết, họ bán cà phê và hạt điều cho DN khoảng 1 năm nay. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, DN không còn khả năng trả nợ làm cho họ khốn đốn vì trước đó có người đã thế chấp cả nhà, đất… để vay vốn ngân hàng đi mua nông sản, bán cho DN...

Ông Hồ Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: Chiều 28.5, UBND huyện đã chủ trì một cuộc họp gồm các ngân hàng cho vay vốn, DN đối tác kinh doanh và một số tiểu thương là chủ nợ của DN, cùng chủ DNTN Trung Thành. Tại cuộc họp này, bước đầu đã đưa ra phương án giải quyết vụ việc là các ngân hàng chấp nhận lấy 70% tài sản là hạt điều thế chấp rồi cho DN mượn lại sản xuất để kinh doanh trả nợ dần cho các đối tác, khách hàng có liên quan…

Doanh nghiệp vỡ nợ, nông dân trắng tay - 1

Cơ sở này trước đây là của DNTN Phát Đạt nhưng nay đã thuộc quyền quản lý của DN khác

“Chết” vì ghim hàng

DNTN Thanh Thảo của ông Nguyễn Văn Thực và DNTN Phát Đạt của ông Lê Thao là 2 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn ở Xuân Định. Tuy nhiên, từ năm 2010 hai “ông lớn” này bỗng nhiên bị “đột qụy” làm cho nhiều đối tác và đặc biệt, hàng trăm nông dân điêu đứng…

DNTN Trung Thành hiện còn 10.000 tấn hạt điều trong kho là tài sản thế chấp với ngân hàng, cùng với nhà kho, nhà xưởng và tài sản khác nên chưa thể nói DN này lừa đảo. Lý do, DN đang nợ với số tiền lớn như trên là do giá hạt điều xuống thấp nhưng lại rất khó bán…

Theo số liệu tổng hợp của ngành chức năng lúc bấy giờ, DNTN Phát Đạt mất khả năng thanh toán khoảng 140 tỷ đồng. Còn DNTN Thanh Thảo cũng mất khả năng chi trả với số tiền tương đương. Theo chủ hai DN trên, xảy ra tình trạng mất cân đối trả nợ khách hàng nghiêm trọng như trên là do khi mua cà phê vào để chế biến thì giá cao. Nhưng đến khi hàng thành phẩm, xuất bán thì đột nhiên giá xuống thấp nên bị lỗ nặng. Trong khi đó, thấy giá cà phê xuống thấp nên ghim hàng lại chờ giá lên nhưng sau đó thì giá tiếp tục rớt nên càng bị thua, lỗ nặng nề hơn…

Người dân đã kiện 2 doanh nghiệp này ra tòa với số tiền yêu cầu bồi thường hàng trăm tỷ đồng. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Liên-Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Định, nhiều nông dân ở xã đến nay vẫn chưa nhận được tiền bán nông sản cho 2 DN trên như bản án đã tuyên. Trong khi đó, ông Thực - Chủ DNTN Thanh Thảo thì hiện đang lên tỉnh Đăk Lăk để làm thuê cho một DN khác, còn ông Thao thì vào xã Xuân Thành mua bán nông sản nhỏ lẻ để kiếm sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Thuyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN