Doanh nghiệp Việt thích làm ăn chụp giựt?
"Cách đây 8 năm, khi tới Việt Nam tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt chỉ thích đầu tư vào bất động sản, vàng bạc, cao su… Tôi khuyên họ nên đầu tư vào công nghệ và con người nhưng ai cũng cười”.
Một chuyên gia hàng đầu về quản trị chiến lược đến từ Nhật, TS Koichi Hori đã trao đổi với gần 450 doanh nhân, lãnh đạo cấp cao tại các công ty ở tọa đàm Talk&Think, do trường Doanh nhân PACE vừa tổ chức. Chủ đề xuyên suốt mà vị chuyên gia này chia sẻ là tư tưởng kinh doanh và tư duy quản trị của người Nhật.
TS. Koichi Hori. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
TS Koichi Hori cho biết 8 năm trước khi lần đầu tiên đến Việt Nam, ông cảm thấy có những cơ hội kinh doanh tuyệt vời. Nhưng thời điểm đó phần lớn những công ty thành công đều đầu tư rất nhiều vào bất động sản, chứng khoán, thậm chí kinh doanh cả đá quý, đồn điền cao su… Khi đó ông còn khuyên các doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào nhân lực và công nghệ nhưng ai cũng cười.
“Tôi cho rằng cao su nên dành cho người nông dân, bất động sản, ngân hàng thích hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp… Nếu doanh nghiệp đầu tư trái ngành sẽ không lâu dài. Làm ăn ngắn hạn, chụp giựt sẽ kiếm tiền nhanh nhưng không bền vững được. Chỉ có tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi mới phát triển lâu bền được” - ông nói.
Minh chứng cho điều mình nói, vị chuyên gia Nhật đã chia sẻ những kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Nhật Bản như Honda, Unicharm hay công ty điện tử Hirose. Chẳng hạn, công ty điện tử Hirose chuyên làm những linh kiện điện tử rất nhỏ cho tập đoàn Samsung nhưng lợi nhuận sau thuế lên tới 30%. Chỉ cần thị trường xuất hiện đối thủ cạnh tranh, lập tức họ sẽ sáng tạo ra sản phẩm khác với tỉ lệ lợi nhuận còn cao hơn, 40-50%.
Hay với tập đoàn Unicharm, đây là một tập đoàn lớn tại Nhật chuyên về sản xuất hàng gia dụng. Những năm đầu hoạt động, Unicharm chuyên cung cấp tã em bé và sản phẩm dành cho phụ nữ. Khi thị trường trong nước bão hòa, công ty phải tính đến chuyện mở rộng sang các quốc gia châu Á khác. Đối thủ lớn của Unicharm thời điểm đó là P&G, xét về quy mô và uy tín đều không cạnh tranh bằng.
“Yếu tố duy nhất để các doanh nghiệp Nhật cạnh tranh là chất lượng và công nghệ. Chúng tôi đã cố gắng sản xuất những sản phẩm có chất lượng tốt và sau cùng, chúng tôi đã thành công” - vị chuyên gia chia sẻ.
TS Koichi Hori cho rằng lúc này doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung đầu tư vào phát triển công nghệ. Công nghệ chính là một nhân tố quan trọng giúp các công ty Nhật bước ra thị trường thế giới và giành được thành công, duy trì chỗ đứng trên thị trường.
“Ở Nhật, có những công ty vô danh mà tôi tư vấn cách đây 30 năm, nay đã trở thành doanh nghiệp phát triển mạnh nhờ vào công nghệ. Trong khi đó, năm 2018 khi hàng rào thuế quan các quốc gia trong khu vực ASEAN không còn, có thể Toyota sẽ dời Việt Nam để đến nước khác có ngành công nghiệp phụ trợ tốt hơn. Nếu các bạn không đầu tư vào công nghệ, sẽ rất khó thành công” – TS Koichi Hori nhấn mạnh.