Doanh nghiệp Việt liệu có làm thuê cho ông chủ Thái Lan?

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư Thái Lan đã thâu tóm các công ty tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng hóa có nguồn gốc Thái Lan đang dần dần tràn ngập thị trường Việt Nam. Điều này sẽ là sức ép lớn đến các nhà bán lẻ trong nước.

Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo về chủ đề thách thức bán lẻ Việt Nam thời hội nhập, diễn ra ngày 3-3 tại Hà Nội.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, một trong những người đầu tiên mở siêu thị ở Hà Nội cho rằng các nhà đầu tư Thái Lan mua lại các siêu thị ở Việt Nam là điều tất yếu trong xu thế hội nhập. Chính sức ép sáp nhập, mua bán, thôn tính giữa các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã buộc các nhà bán lẻ Việt Nam phải vươn lên, kèm theo chính sách nhà nước cũng phải thay đổi.

“Tuy nhiên, thực tế nhiều chính sách của Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN trong nước như chương trình bình ổn giá, có siêu thị được làm, có siêu thị lại không. Điều này sẽ làm méo mó cạnh tranh” - ông Phú nói.

Theo nhận định của ông Phú, các nhà đầu tư Thái Lan không chỉ dừng lại ở khâu phân phối thị trường mà họ sẽ còn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, xây dựng…

“Điều đáng lo ngại là các DN Việt Nam có trở thành người làm thuê cho họ hay không? Khi họ chiếm thị phần trên 30%, họ sẽ có quyền ép các DN khác. Lâu nay các DN trong nước thiếu đi sự liên kết. Đặc biệt là phong cách làm việc đôi khi còn mang tính tiểu nông, chụp giật, nay làm mai bỏ của siêu thị Việt sẽ là con dao tự mình hại mình” - ông Phú cảnh báo.

Ông Phú cũng dẫn chứng khi ông mua chiếc áo sơ mi tại một siêu thị ở Hà Nội. Lúc mang chiếc áo về nhà, ông phát hiện áo bị đứt khuy, sau đó ông đem đến đổi lại nhưng siêu thị này lại không chấp nhận với quan điểm hàng đã mua miễn đổi lại.

Do vậy, ông Phú cho rằng các nhà bán lẻ Việt hãy tự đổi mới mình để làm cách mạng ngành bán lẻ Việt Nam. Trong đó vấn đề quản trị DN và văn hóa kinh doanh là thước đo cho sự tồn tại của DN. Chỉ cần một lời cám ơn và thái độ có trách nhiệm đến cùng với hàng hóa bán ra… sẽ đem lại hiệu quả trong kinh doanh.

“Siêu thị Việt chỉ cần thay đổi tư duy đổi kẹo thay tiền lẻ thối lại cho khách hàng cũng là việc làm đáng hoan nghênh rồi! Việt Nam phải cạnh tranh với Thái Lan về chất lượng hàng hóa và cạnh tranh với Trung Quốc về hàng giá rẻ. Hạm đội thuyền thúng siêu thị Việt nếu không liên kết sẽ bị phá vỡ” - ông Phú cảnh báo.

Ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng WTO, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng làn sóng đầu tư từ các nhà bán lẻ Thái Lan trong thời gian gần đây được xem là sự cảnh báo cho thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh liên kết cũng là xu hướng được các nhà bán lẻ nhắm đến để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN