Doanh nghiệp Việt cần... chủ động đi kiện

Cục Quản lý cạnh tranh sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khi họ đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá.

Việt Nam đang tăng cường mở cửa thị trường thông qua các Hiệp định Thương mại tự do, việc kiện và bị kiện không tránh khỏi khi các nước sử dụng nhiều hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa trong nước.

DN cẩn thận bị kiện vì vay lãi suất thấp

Tại Hội thảo Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả và biện pháp phòng vệ thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO, do Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, bà Nguyễn Chi Mai, Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết xu hướng kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp, nguy cơ đánh trùng thuế (double counting) ngày càng tăng. Đặc biệt là hiện nay các nước phát triển đưa ra ngưỡng chuẩn cho mình để bảo vệ nền sản xuất trong nước.

Số vụ điều tra chống bán phá giá đối với Việt Nam đã xảy ra ở hàng xuất khẩu đối với thủy sản là 02 vụ, lốp xe 3 vụ, sợi, bật lửa ga 3 vụ và sợi là 6 vụ, đặc biệt là thép tới 12 vụ. 

Bà Nguyễn Chi Mai cho biết thêm Hoa kỳ đang sử dụng 2 ngưỡng chuẩn: ngưỡng chuẩn lãi suất và ngưỡng chuẩn đất đai. Điều này rất bất lợi cho DN Việt Nam. Hiện Hoa Kỳ cho rằng mức lãi suất cho vay của ngân hàng Công Thương, ngân hàng Nông nghiệp, ngân hàng Ngoại Thương, ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là mức lãi suất trợ cấp cho DN Việt Nam.

Do vậy, trước đây trong Hiệp định Trợ cấp và Chống trợ cấp thì trợ cấp đèn xanh (trợ cấp không bị kiện) trong lĩnh vực nông nghiệp hay cho nông dân từ năm 1994-2005 đã bị bỏ, nên hiện nay những vấn đề hỗ trợ mang tính ưu đãi cho nông nghiệp và nông dân như cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ về đất đai bị coi là trợ cấp đối kháng và có thể bị kiện.

Doanh nghiệp Việt cần... chủ động đi kiện - 1

Thép là mặt hàng bị kiện nhiều nhất tại Việt Nam

Chủ động kiện và tham gia kiện

Kiện chống bán phá giá được đánh giá là một trong ba công cụ hợp pháp và hữu ích mà các doanh nghiệp và ngành hàng có thể sử dụng để bảo vệ thị trường nội địa của mình.

Đến nay Việt Nam đã được 46 quốc gia trên thế giới công nhận là nền kinh tế thị trường, và vẫn còn nhiều nước coi Việt Nam có nền kinh tế phi thị trường. Điều này chính là điểm nhấn để các nước phát triển sử dụng vào mục đích kiện thương mại.

Theo bà Mai, các nước thường xuyên thay đổi thông lệ của họ trong phòng vệ thương mại, điển hình là Hoa Kỳ và họ nhằm vào các nước phi thị trường nhằm tạo gánh nặng và khó khăn cho DN xuất khẩu của các nước đang phát triển.

Khi bị kiện chống bán phá giá thì các DN Việt nên chủ động tham gia các vụ kiện là biện pháp tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của DN. Vì nguyên tắc điều tra phòng vệ thương mại là cơ quan điều tra phải cung cấp đầy đủ các điều kiện và cơ hội để các nước bị điều tra được trình bày. Nếu DN không dùng quyền lợi này thì coi như đã từ bỏ quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Hữu Trường Hưng, Phòng điều tra các biện pháp phòng vệ thương mại  trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết Cục Quản lý cạnh tranh sẵn sàng hỗ trợ các DN khi họ đứng trước các vụ kiện chống bán phá giá.

Mới đây, Việt Nam đã thực hiện kiện chống bán phá giá thành công đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội của 02 công ty POSCO VST (Hàn Quốc) và công ty Inox Hòa Bình đối với 04 nước: Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Ngày 6/5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh nhận được đơn kiện chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội của công ty Inox Hòa Bình và công ty POSCO VST. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã thẩm tra 08 DN chọn mẫu và 02 DN nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Đến 28/7/2013 Cục thông báo dự thảo điều tra cuối cùng và xin ý kiến các bên. Đến 5/10/2014, Bộ Công Thương chính thức áp mức thuế chống bán phá giá từ 4 nước bị điều tra, trong đó DN Đài Loan bị áp mức cao nhất lên tới 37,29%, Trung Quốc bị áp mức thấp nhất là 3,07% vì họ có kinh nghiệm trong kiện chống bán phá giá.

Gia nhập WTO từ năm 2007, đến nay, Việt Nam đã phải chịu gần 100 vụ điều tra chống bán phá giá trên thế giới, song đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng ra điều tra các nước trên thế giới bán phá giá vào Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là các DN Việt vẫn chưa mặn mà với việc sử dụng các công cụ thương mại để bảo vệ thị trường của mình.

Vì việc đầu tiên muốn kiện một đối tác về chống bán phá giá thì DN phải có đầy đủ thông tin về số liệu, ngay như cả cơ quan Nhà nước cũng gặp khó khăn về vấn đề này.

Tuy nhiên, những số liệu về thông tin sản phẩm DN có thể tìm kiếm trên báo chí, giá chào trực tiếp trên thị trường hoặc số liệu từ các công ty nghiên cứu là có thể sử dụng kiện được, ông Nguyễn Hữu Trường Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, DN phải thu thập giá bán của DN bị kiện tại nước họ và tại Việt Nam trong giai đoạn điều tra. DN phải tính được biên độ phá giá và giá bán bình quân của DN đó nên số liệu thu thập ít nhất phải là giá bán nội địa theo 4 quý mới biết giá bán bình quân để cung cấp cho cơ quan điều tra.

Ngay như POSCO VST là một DN lớn của Hàn Quốc mà họ cũng mất gần 01 năm thu thập số liệu và chuẩn bị đầy đủ thông tin để nộp lên Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương.

Đối với hồ sơ tự vệ thì con số chứng mình thiệt hại phải rõ ràng về doanh thu giảm, lỗ, nhiều DN trong ngành phá sản…

Các DN Việt cũng phải kêu gọi sự ủng hộ của các DN cùng ngành sản xuất trong nước để tạo sự đồng thuận vì hiện nay DN Việt được coi là mạnh ai nấy làm, không hợp tác với nhau.

Bên cạnh đó, trong 1 vụ kiện thì bao giờ cũng phải là một nhóm DN, nhưng khi tiến hành làm hồ sơ phải công khai số liệu. Điều này khiến nhiều DN cùng tham gia kiện e ngại vì trên thị trường họ lại là đối thủ cạnh tranh. Do vậy, số liệu này sẽ được Cục Quản lý cạnh tranh giữ bí mật và điều cốt lõi là giúp DN thắng kiện, ông Hưng cho hay.

Trong 5.133 vụ về phòng về thương mại trên thế giới thì các nước thường sử dụng biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất lên tới 4.519 vụ. Trong đó, các nền kinh tế kiện nhiều nhất là Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Ấn Độ, Úc, Brazil, Argentina chiếm tới 60% các vụ kiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Lan (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN