Doanh nghiệp tự định giá xăng dầu?

Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp sẽ được tự quyết giá xăng dầu nhiều hơn.

Nhiều điểm trong tờ trình của Bộ Công Thương về việc bổ sung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu vẫn chưa thỏa mãn được kỳ vọng của doanh nghiệp (DN) cũng như người tiêu dùng.

Được tăng giá khi chậm trả lời

Theo dự thảo nghị định mới, khi giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ thì DN được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7% đến 12% so với giá bán lẻ, DN gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý trước thời gian điều chỉnh 2 ngày.

Quá 2 ngày, nếu cơ quan quản lý không có văn bản trả lời thì DN được quyền tăng giá thêm 40% của mức tăng trong phạm vi 7%-12%; còn lại 60% sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) để bù đắp. Riêng với phần sử dụng BOG, nếu quá thời hạn 2 ngày làm việc kể từ khi DN điều chỉnh tăng giá thêm 40%, cơ quan quản lý không có văn bản trả lời thì DN được điều chỉnh giá phần 60% này.

Trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, DN báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý. Sau 5 ngày, nếu cơ quan quản lý không có văn bản công bố các biện pháp bình ổn, mặc nhiên DN được quyền chủ động điều chỉnh tăng giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh.

Chu kỳ 15 ngày chưa sát diễn biến

Bộ Công Thương đưa ra phương án giá cơ sở được tính bình quân của 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ lưu thông (chu kỳ này tiếp tục được giữ nguyên 30 ngày) và đánh giá là phù hợp với thực tiễn kinh doanh xăng dầu trong nước, đồng thời đưa giá về sát diễn biến thế giới hơn.

Theo quan điểm của Bộ Công Thương, thực tế, có thời điểm xăng dầu nhập khẩu từ lúc vận chuyển đến khi về kho ở Việt Nam mất khoảng 7-15 ngày. Do đó, việc lấy chu kỳ tính giá như trên sẽ phù hợp với chu kỳ nhập khẩu và thực tế kinh doanh.

Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc điều hành giá cần bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Có những thời điểm trong chu kỳ 30 ngày, 15 ngày đầu có biến động ngược chiều với 15 ngày sau nên dễ dẫn tới tình trạng giá thế giới giảm nhưng giá trong nước chưa giảm, thậm chí tăng ở mức cao và ngược lại. Do đó, nhiều ý kiến từ phía Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các chuyên gia cho rằng chu kỳ tính giá nên là 15 ngày sát với ngày tính giá, thay vì 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ lưu thông.

Trao đổi với phóng viên về các điểm dự kiến được điều chỉnh lần này, đại diện một DN đầu mối xăng dầu nhận xét những thay đổi ấy thực chất vẫn nằm trong vòng kiểm soát của cơ quan quản lý. “Vấn đề ở đây không hoàn toàn ở việc sửa các điểm chưa hợp lý mà còn nằm ở quan điểm quản lý của nhà nước, đặc biệt là nên cân nhắc giảm các biện pháp hành chính, thay thế bằng những biện pháp kinh tế” - ông đề xuất.

Không dựa vào một doanh nghiệp để tính giá

Theo đại diện một DN kinh doanh xăng dầu, hiện nhà nước chỉ tham chiếu số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam để xác định số liệu đầu vào nhằm tính toán mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ vì cho rằng đây là DN có thị phần lớn là chưa hợp lý. Thực tế, tình hình nhập khẩu hàng hóa của mỗi DN khác nhau, giá nhập cũng khác nhau. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng để bảo đảm công bằng, cần tính toán giá trung bình giữa các đầu mối xăng dầu hoặc tính theo quyền số, tức là tính phần trăm theo thị phần đóng góp, để ra giá chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Nhung (Người Lao Động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN